Những người này gồm ông H.V.C (47 tuổi) cùng con gái và con rể. Cả ba bị xử phạt về hành vi bán tài khoản ngân hàng.
Công an xác định, thông qua mạng xã hội, con rể ông C. thấy có người thu mua tài khoản ngân hàng, nên mang bán 3 tài khoản nêu trên với số tiền 9 triệu đồng. Các tài khoản này sau đó liên quan đến một vụ án tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép.
Vô tình tiếp tay cho tội phạm
Quá trình xét xử nhiều vụ án lừa đảo thời gian qua, nhất là lừa đảo có tính chất xuyên biên giới, cho thấy một trong những thủ đoạn thường được các đối tượng tội phạm sử dụng là dùng tài khoản ngân hàng "ma" để xóa dấu vết dòng tiền.
Theo đó, thông qua việc thuê, mua, thậm chí là đánh cắp thông tin, các đối tượng có được rất nhiều tài khoản ngân hàng của người khác. Khi thực hiện hành vi lừa đảo, đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào các tài khoản này.
Ngay khi nạn nhân chuyển tiền, đối tượng lừa đảo sẽ tiếp tục chuyển lòng vòng qua nhiều tài khoản khác để xóa dấu vết. Cuối cùng, tiền sẽ đến tài khoản mà đối tượng mong muốn, để rút tiền mặt hoặc mua tiền ảo… Việc lần theo manh mối là rất khó khăn.
Trong nhiều vụ án, cơ quan tố tụng đã làm rõ danh tính của những người là chủ sở hữu các tài khoản ngân hàng liên quan đến vụ án. Có người khai không biết vì sao bị lộ thông tin, người thì nói được nhờ đứng tên mở tài khoản, cũng có người mở tài khoản rồi chủ động cho thuê hoặc bán, điển hình như vụ việc tại Đồng Tháp nêu ở trên.
Mới đây, công an các tỉnh, thành phố đồng loạt cảnh báo về hiện tượng thu mua tài khoản ngân hàng. Theo đó, các đối tượng đăng tải thông tin trên mạng xã hội hoặc tiếp cận những người lao động có thu nhập thấp, người thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc sinh viên… để nhờ, thuê mở tài khoản ngân hàng. Tiền công từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Sau khi mở tài khoản, chủ tài khoản phải bàn giao thông tin đăng nhập Internet Banking, SIM điện thoại đăng ký tài khoản, thẻ ngân hàng… cho đối tượng. Đối tượng sẽ sử dụng các tài khoản ngân hàng này vào các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công an nhận định hành vi trên là nguy hiểm, vô tình tiếp tay cho tội phạm. Người dân cần tuyệt đối không thực hiện.
Phạt tiền, thậm chí phạt tù
Luật sư Hà Công Tâm (Đoàn luật luật sư TP.Hà Nội) cho hay, mua bán trái phép tài khoản ngân hàng là hành vi vi phạm pháp luật. Chế tài đối với hành vi này đã có, gồm cả xử phạt hành chính và xử lý hình sự.
Theo đó, Nghị định 143/2021 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 88/2019) quy định mức phạt tiền 40 - 50 triệu đồng về hành vi thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 1 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu vi phạm từ 10 tài khoản trở lên (mà chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự), mức phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng.
Ngoài ra, người vi phạm còn buộc phải nộp vào ngân sách nhà nước số tiền hưởng lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Về xử lý hình sự, hành vi thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác có thể bị phạt tù cao nhất đến 7 năm, theo quy định tại điều 291 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, chế tài đối với hành vi mua bán tài khoản ngân hàng trái phép là rất nghiêm khắc. Luật sư Tâm khuyến cáo người dân cần tỉnh táo trước lời đề nghị kiếm tiền dễ dàng liên quan đến hành vi này, tuyệt đối không vì hám lợi mà làm theo. Bởi lẽ, việc mua bán tài khoản thường là cái bẫy của các hoạt động lừa đảo.
Làm gì khi thấy có người muốn mua tài khoản ngân hàng?
Cục Cảnh sát hình sự (C02, Bộ Công an) cho biết, phần lớn những người cho thuê, cho mượn thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng không biết việc sử dụng thông tin, tài khoản để thực hiện hành vi phạm tội.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp dù biết rõ nhưng vì hám lợi vẫn tiếp tay, tạo cơ hội cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội và đã bị xử lý.
C02 khuyến cáo người dân tuyệt đối không cho người lạ mượn, chụp, thuê, mua căn cước (chứng minh nhân dân) hoặc tài khoản ngân hàng nếu không có mục đích chính đáng.
Khi nghi ngờ hoặc phát hiện số căn cước của mình bị sử dụng trái phép để mở tài khoản ngân hàng, người dân cần nhanh chóng liên hệ ngân hàng, nhà mạng để được hỗ trợ khóa tài khoản, thuê bao.
Trường hợp phát hiện đối tượng mời chào cho thuê, mượn, mua, bán tài khoản ngân hàng, người dân cần tố giác và cung cấp ngay tài liệu, chứng cứ đến cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật.
Nếu biết đối tượng sử dụng căn cước công dân, tài khoản ngân hàng vào mục đích vi phạm pháp luật, phạm tội nhưng bao che hoặc vẫn bán, cho thuê, cho mượn thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.