Trước đó, ngày 24.4, TAND H.Hưng Nguyên xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bà Lê Thị Dung (51 tuổi) 5 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo cáo buộc của Viện KSND H.Hưng Nguyên, từ năm 2012 – 2017, bà Dung là Bí thư Chi bộ, chủ tài khoản của Trung tâm GDTX H.Hưng Nguyên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, nhiều lần thanh toán trái quy định để chiếm đoạt số tiền gần 45 triệu đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cấp. Cụ thể, trong năm học 2011 – 2012 hơn 3,3 triệu đồng; năm 2013 – 2014 hơn 303.000 đồng; năm 2014 – 2015 hơn 30,9 triệu đồng và trong năm 2015 – 2016 hơn 13,8 triệu đồng.
Trong quá trình công tác, bà Dung đã chủ trì xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, trong đó có một số khoản chi không đúng quy định pháp luật.
Một số khoản thanh toán 2 lần cho một nội dung như đã nhận được phụ cấp Cấp ủy nhưng vẫn được tính 3 tiết/tuần cho chức danh Bí thư Chi bộ; đã được hỗ trợ khi đi học cao học nhưng vẫn được tính 2 tiết/tuần để thanh toán.
Theo cáo trạng, tổng số tiền gây thiệt hại cho Trung tâm GDTX là gần 45 triệu đồng. Tại phiên tòa, bà Dung không nhận tội như cáo trạng truy tố.
Viện KSND H.Hưng Nguyên cáo buộc bà Dung thực hiện thanh toán nhiều lần trong nhiều năm, nên rơi vào trường hợp “phạm tội nhiều lần” và bị truy tố ở khung hình phạt 5 – 10 năm tù theo điểm b, khoản 2, điều 356 bộ luật Hình sự.
Bà Dung đã kháng cáo bản án
Vụ án này đã gây xôn xao dư luận khi có nhiều ý kiến cho rằng bản án 5 năm tù đối với bà Dung là quá nặng.
Sau khi dư luận xôn xao về mức án quá nặng đối với bà Dung, ngày 5.5, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đã họp, nghe các ngành báo cáo toàn bộ nội dung vụ án này, đồng thời đề nghị bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Viện kiểm sát kháng nghị bản án sơ thẩm
Ngày 23.5, Viện KSND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định kháng nghị phúc thẩm vụ án này theo hướng hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.
Trong vụ án này, ngoài bà Dung bị tuyên phạt 5 năm tù vì về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, còn có bị cáo Nguyễn Thị Hương (nguyên kế toán Trung tâm GDTX H.Hưng Nguyên) bị tòa sơ thẩm tuyên 24 tháng tù, cho hưởng án treo.
Trong bản kháng nghị, Viện KSND tỉnh Nghệ An cho rằng cấp sơ thẩm chưa xác định rõ trách nhiệm đầy đủ của Lê Thị Dung, Nguyễn Thị Hương đối với số tiền đã chi cho bị cáo Dung là hơn 103 triệu đồng; chi cho các thầy cô giáo khác hơn 175 triệu đồng, qua giám định tài chính đã được xác định là thiệt hại trong vụ án.
Đối với khoản tiền hơn 48 triệu đồng (nằm trong tổng số tiền hơn 103 triệu đồng bị cáo Dung lập chứng từ thanh toán), cấp sơ thẩm kết luận bị cáo Dung “chiếm đoạt”, chưa làm rõ được hành vi của bị cáo Lê Thị Dung làm trái công vụ, nếu xác định có yếu tố chiếm đoạt là cấu thành của tội phạm khác.
Theo kháng nghị, quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm, Cơ quan CSĐT đã trưng cầu giám định, trưng cầu giám định bổ sung và Viện KSND H.Hưng Nguyên có văn bản yêu cầu cơ quan giám định làm rõ một số nội dung… nhưng tất cả các bản kết luận giám định, kết luận giám định bổ sung, công văn phúc đáp Viện KSND H.Hưng Nguyên, của Sở Tài chính Nghệ An đều chưa thể hiện rõ nội dung: Quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm GDTX H.Hưng Nguyên do bị cáo Lê Thị Dung ký từ 2012 – 2017 có nội dung nào không có hiệu lực thi hành do trái pháp luật không? Đồng thời, việc xác định thiệt hại do hành vi làm trái công vụ của các bị cáo gây ra cần bảo đảm sự chính xác và thống nhất về số liệu để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngày 11.6, trao đổi với phóng viên, ông Phạm Ngọc Thạch, chồng bà Dung cho biết hiện đã có 3 đoàn luật sư đến từ Hà Nội và Quảng Ninh với 7 luật sư tham gia bào chữa miễn phí cho bà Dung tại phiên tòa phúc thẩm. Các đoàn luật sư này đã làm thủ tục để tham gia phiên tòa.