Đóng góp nhiều cho cộng đồng
Theo đó, bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II), bị tòa phạt tù chung thân do đã nhận hối lộ tới 5,2 triệu USD để bao che sai phạm tại SCB. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nhàn đã trình bày nhiều tình tiết giảm nhẹ mới để mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo cho rằng mình đã có gần 30 năm làm việc ở Ngân hàng Nhà nước, trong đó có 24 năm làm nghề thanh tra. Trong nhiều năm qua, bị cáo đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong lao động, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen, huân chương từ các cơ quan nhà nước.
Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo cũng đã nộp lại 100% số tiền nhận từ bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (51 tuổi, Tổng giám đốc SCB) và nộp phạt 100 triệu đồng. Đồng thời, gia đình bị cáo cũng có đóng thêm 500 triệu đồng để góp phần khắc phục hậu quả vụ án.
Bị cáo Nhàn còn nêu thêm nhiều tình tiết giảm nhẹ như có nhiều đóng góp cho cộng đồng như chăm sóc, ổn định cuộc sống cho nạn nhân chất độc da cam; đóng góp xây dựng trường học, nhà ăn, nhà vệ sinh cho trường học; gia đình bị cáo hiến nhiều đất để xây dựng cầu đường trong phong trào nông thôn mới…
SCB đề nghị được quản lý, xử lý 3 mã tài sản
Đối với phần xét hỏi bị cáo Nguyễn Cao Trí (55 tuổi), do bị cáo vắng mặt tại phiên tòa nên luật sư Hoàng Thị Thu (bào chữa cho bị cáo Trí) cho biết, thân chủ xin giảm nhẹ hình phạt 8 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Lý do, bị cáo Trí đã nộp đủ 189 tỉ đồng và 1.000 tỉ đồng để hoàn thành nghĩa vụ trả nợ cho bị cáo Trương Mỹ Lan và đã đóng án phí dân sự, hình sự như cấp sơ thẩm đã tuyên, ngoài ra còn có nhiều bằng khen... "Bị cáo Trí bị tai nạn dẫn đến chấn thương cột sống, nhưng chưa được mổ kịp thời dẫn đến đi lại rất khó khăn. Vừa rồi bị cáo đã được đưa đi bệnh viện điều trị, do đó tôi đề nghị tòa cân nhắc tới sức khỏe của bị cáo, để giảm nhẹ hình phạt", luật sư Thu nói.
Bị cáo Trí là người duy nhất trong vụ án bị đưa ra xét xử không liên quan đến sai phạm xảy ra tại SCB hay Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Trí đồng ý bồi thường toàn bộ 1.000 tỉ đồng đã chiếm đoạt cho bị cáo Lan. Bị cáo Lan đề nghị dùng số tiền này để khắc phục hậu quả khoản vay liên quan đến bị cáo Trương Huệ Vân (cháu ruột bị cáo Lan, Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).
Tòa sơ thẩm ghi nhận sự tự nguyện của các bị cáo, tuy nhiên về trách nhiệm dân sự, tòa buộc bị cáo Lan phải chịu trách nhiệm toàn bộ, nên cần buộc bị cáo Trí nộp lại 1.000 tỉ đồng để khắc phục hậu quả vụ án. Số tiền này sẽ được khấu trừ vào nghĩa vụ của bị cáo Lan trong toàn bộ vụ án.
Ngoài ra, tại tòa, phía bị hại SCB đưa ra 5 yêu cầu để đề nghị HĐXX xem xét sửa bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM vào hồi tháng 4. Cụ thể, SCB đề nghị tòa chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại của SCB đối với lãi phát sinh từ 1.121 khoản vay liên quan đến nhóm bị cáo Lan từ sau ngày 17.10.2022 cho đến khi các bị cáo hoàn thành nghĩa vụ bồi thường.
SCB đề nghị tòa xem xét sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấm dứt kê biên, phong tỏa và giao cho SCB quản lý, xử lý đối với 3 mã tài sản thuộc 1.121 mã tài sản gồm: nhà số 24 Lê Lợi, Q.1, 1 ô tô và 1 mã tài sản là cổ phần của Công ty Thành Hiếu. SCB còn đề nghị tòa xem xét chấp thuận giao dự án 6A cho ngân hàng này được quyền quản lý, xử lý nhằm khắc phục hậu quả thiệt hại của vụ án.