Từ hội nghị COP28 đang được tổ chức tại UEA, trả lời báo chí, ông Đào Xuân Lai – Trưởng ban Biến đổi khí hậu môi trường và năng lượng của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) nhấn mạnh: Việt Nam và nhóm đối tác G7, EU, Đan Mạch và Na Uy (nhóm đối tác IPG) đã công bố kế hoạch huy động nguồn lực Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) với điều kiện vay vốn hấp dẫn, hỗ trợ tư nhân thông qua các khoản đầu tư nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam.
Là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, để thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần nguồn lực đầu tư rất lớn. Riêng đầu tư phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 135 tỷ USD. Con số 15,5 tỷ USD trong kế hoạch huy động nguồn lực JETP không phải lớn so với nhu cầu của Việt Nam.
Song theo đánh giá của đại diện UNDP, đây là con số ban đầu tạo đòn bẩy kích hoạt và huy động thêm nguồn lực quốc tế, khối tư nhân trong chuyển đổi năng lượng, góp phần thực hiện kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế xanh. Các nỗ lực này đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường, phục hồi tự nhiên và đa dạng sinh học.
Đặc biệt, Tuyên bố JETP của Việt Nam nhấn mạnh, công bằng và bình đẳng là giá trị cốt lõi để chuyển đổi năng lượng thành công với 4 khía cạnh.
Thứ nhất, đảm bảo cung cấp điện với giá phải chăng, đáng tin cậy cho người dân và người thu nhập thấp. Thứ hai, quá trình chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo cần hỗ trợ công nhân và nhóm yếu thế, có biện pháp bảo trợ xã hội với người không có khả năng đào tạo lại hoặc không tham gia vào lĩnh vực năng lượng mới.
Thứ ba, chuyển dịch năng lượng phải đảm bảo phát triển kinh tế địa phương, người dân hưởng lợi mà không bị ảnh hưởng sinh kế. Thứ tư, tất cả các bên cần tham gia vào quá trình chuyển dịch năng lượng.
Tại COP28, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường đã có nhiều buổi họp song phương và đa phương với các nước phát triển, các tập đoàn quốc tế để có thể mở rộng quan hệ đối tác với các tập đoàn lớn về năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi. Đây là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy ngành kinh tế mới là năng lượng tái tạo, phát triển điện gió ngoài khơi để có thể xuất khẩu. Với hơn 3.000km bờ biển, Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực này, góp phần tăng nguồn thu ngân sách, tạo sinh kế việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế tại các địa phương.
Đề cập đến những thách thức của Việt Nam khi thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0, theo ông Đào Xuân Lai, đó là quy mô kinh tế nhỏ, độ mở thị trường lớn, trình độ nhân lực chưa cao, nguồn lực đòi hỏi lớn hay công nghệ, chuyển đổi nhân lực…
Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn toàn cầu vào các ngành kinh tế xanh, tuần hoàn, ít phát thải carbon, công nghệ cao. Theo ông Đào Xuân Lai, để giải quyết thách thức trên, trước hết Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy cải cách thể chế, góp phần xây dựng môi trường đầu tư trách nhiệm, minh bạch, an toàn và hấp dẫn hơn để thu hút đầu tư chất lượng cao.
Bên cạnh đó, cần đầu tư lực lượng lao động cho chuyển đổi năng lượng, năng lượng tái tạo; đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ; thúc đẩy hợp tác quốc tế, tận dụng chuyển giao công nghệ; đảm bảo công bằng giữa các bên tham gia kể cả các nhà đầu tư, các nhóm tham gia chuỗi cung ứng về năng lượng, kinh tế xanh…
Ông Đào Xuân Lai hy vọng, với các giải pháp đồng bộ như tăng cường năng lực, cải cách thể chế, khai thác cơ hội chuyển đổi của toàn bộ nền kinh tế, Việt Nam có thể đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 năm 2050 và chuyển đổi năng lượng bền vững và vượt qua được rào cản thu nhập trung bình trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.