Bức tranh nhiều màu
Theo S&P, nhìn chung các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APAC) bên ngoài Trung Quốc vẫn phát triển tốt. Trong đó, ở các nền kinh tế phát triển, thị trường lao động mạnh mẽ và các lĩnh vực dịch vụ đã thúc đẩy tăng trưởng. Đặc biệt, các nền kinh tế mới nổi đã nhận được sự hỗ trợ từ sự phục hồi sau đại dịch của xu hướng nhu cầu nội địa mạnh mẽ trước đó.
Chỉ số quản lý thu mua (PMI) toàn cầu của S&P cho thấy các nền kinh tế APAC mới nổi tiếp tục tăng trưởng. PMI phân ra 3 mức cơ bản: dưới 50 thì tổng thể thị trường đang giảm, 50 là cân bằng và trên 50 là tổng thể thị trường đang tăng.
Tại Đông Nam Á, PMI sản xuất hầu hết đều vượt quá 50 trong tháng 10, bao gồm cả Philippines - quốc gia có chỉ số này đã tăng vọt kể từ tháng 9. Còn Ấn Độ dù PMI giảm nhẹ thì vẫn ở mức trên 55. Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng trong năm nay và năm tới đang trên đà đạt mức mạnh nhất ở các nền kinh tế thị trường mới nổi có nhu cầu nội địa vững chắc như: Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Philippines.
Dự báo tăng trưởng
Qua phân tích, S&P điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP của Ấn Độ cho năm tài chính 2024 (kết thúc vào tháng 3.2024) từ mức 6% lên 6,4%. Kết quả này nhờ vào động lực nội địa mạnh mẽ bất chấp giá thực phẩm cao và xuất khẩu yếu. Tuy nhiên, kinh tế Ấn Độ có thể sẽ chậm lại trong nửa cuối năm tài chính tiếp theo, nên S&P hạ triển vọng tăng trưởng trong năm tài chính 2025 từ mức 6,9% xuống còn 6,4%.
Theo S&P, chịu ảnh hưởng của điều kiện thương mại toàn cầu yếu kém (Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore) hoặc do ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất rất nhiều để chống lạm phát (Úc, New Zealand) nên mức tăng trưởng ở những nền kinh tế phát triển của APAC đạt mức tăng trưởng thấp. Tuy nhiên, nhờ vào các nền kinh tế mới nổi, dự báo khu vực APAC ngoại trừ Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,2% vào năm 2024 và 4,4% vào năm 2025. Đây là mức tăng đáng kể so với 4,1% vào năm 2023.
Rủi ro từ lãi suất, lạm phát
Năm 2023, mức tăng giá tiêu dùng đã giảm dần ở hầu hết các nền kinh tế APAC, giúp giảm lạm phát hàng năm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rủi ro về giá lương thực ở châu Á do hiện tượng El Nino kéo dài. Dù mức độ ảnh hưởng đến nay là chưa đáng kể nhưng đây cũng có thể xem là một rủi ro cho kinh tế khu vực.
Tình hình đến nay thì xu thế thắt chặt tiền tệ đã giảm. Nhưng vẫn tồn tại một số ngoại lệ ở khu vực. Điển hình, trong bối cảnh thị trường lao động thắt chặt, đà lạm phát của Úc có dấu hiệu tăng, Ngân hàng Trung ương Úc vào đầu tháng 11 đã tăng lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản lên 4,35% và nhiều khả năng sẽ lại tăng vào đầu năm 2024. Tại Philippines, giá lương thực tăng mạnh, đặc biệt là gạo, đã thúc đẩy ngân hàng trung ương tăng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm cơ bản lên mức 6,5% vào tháng 10.
Ở Ấn Độ, giá lương thực tăng đột biến tạm thời trong quý từ tháng 7 - 9, nhưng có ít ảnh hưởng đến động lực lạm phát cơ bản. Tuy nhiên, lạm phát chung vẫn cao hơn mục tiêu 4% của Ngân hàng Trung ương Ấn Độ nên sẽ phải mất một thời gian nữa thì cơ quan này mới có thể hạ nhiệt lãi suất cơ bản vốn đang ở mức cao.
Tương tự, việc Indonesia tăng lãi suất cơ bản gần đây nhấn mạnh ảnh hưởng của lãi suất cao của Mỹ trong khu vực. Lạm phát có thể được kiểm soát ở Indonesia. Nhưng ngân hàng trung ương nước này muốn hỗ trợ tiền rupiah trong bối cảnh áp lực dòng vốn chảy ra ngoài và tăng lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản lên 6%. Indonesia cũng đã thắt chặt thanh khoản trong nước để hỗ trợ tỷ giá hối đoái.
Những vấn đề vừa đề cập có thể trở thành rủi ro kéo lùi quá trình tăng trưởng của nhiều nền kinh tế APAC, bao gồm cả các nền kinh tế mới nổi.
Châu Á vẫn khả quan
Trong một phân tích được đưa ra mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng dự báo tăng trưởng ở APAC sẽ tăng tốc từ 3,9% vào năm 2022 lên 4,6% trong năm nay. Điều này phần lớn được giải thích là do sự phục hồi sau mở cửa trở lại ở Trung Quốc và mức tăng trưởng mạnh hơn dự kiến trong nửa đầu năm ở Nhật Bản và Ấn Độ.