Theo thống kê của FiinGroup, mặc dù không bù đắp được cho cả năm 2023 với mức sụt giảm 6,7% lợi nhuận toàn thị trường, nhưng tính riêng quý IV/2023, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đã tăng trưởng đột phá từ mức đáy cùng kỳ năm trước.
Sự hồi phục mạnh về lợi nhuận được ghi nhận tương đồng với dữ liệu của nhiều đơn vị khác. SSI Research cũng cho rằng tổng lợi nhuận sau thuế toàn sàn (1.130 doanh nghiệp tính đến ngày 5/2) tăng mạnh 35,3% so với quý IV/2022 và tăng 4,8% so với quý III/2023, ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 5 quý. Như vậy, lợi nhuận đã lấy lại mức tăng trưởng dương sau 4 quý liên tiếp đi lùi.
Theo ghi nhận của SSI Research, động lực tăng trưởng mạnh nhất quý này (so với cùng kỳ) đến từ các nhóm: Ngân hàng (+25%); Thực phẩm & đồ uống (+52%); Xây dựng & Vật liệu (+162%), và CNTT (+31%) phục hồi mạnh.
Có thể thấy rằng các ngành hàng là động lực tăng trưởng cho quý IV/2024, đã phản ánh rõ rệt sự phục hồi tăng trưởng GDP quý IV. Chẳng hạn thực phẩm và đồ uống phản ánh câu chuyện tiêu dùng nội địa mùa cuối năm khơi mở hầu bao chi tiêu của người dân vốn đã thắt lưng buộc bụng những quý trước; còn CNTT tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu và hơn thế, phản ánh triển vọng xa hơn.
Đà phục hồi tăng trưởng quý IV/2023 theo đó, tiếp tục nối dài sang tháng 1/2024 với những “chồi xanh” tích cực đặc biệt ở tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Có thể thấy, 2 trụ cột chính đang đặt ra triển vọng của một nền kinh tế được thúc đẩy từ việc tăng cường hoạt động sản xuất và mức tiêu dùng cao hơn trong năm nay, được hỗ trợ bởi việc gia tăng việc làm trong lĩnh vực sản xuất. Trong đó, niềm tin của người tiêu dùng và nhu cầu tiêu dùng nội địa, cũng như sự lạc quan về hồi phục của các nền kinh tế là những điểm mạnh trong 2024, so với điểm yếu của 2023.
Bổ sung động lực của “cỗ xe” tam mã, đầu tư công năm nay với trọng tâm chủ yếu giải ngân vào các công trình hạ tầng trọng điểm, vốn đã được đốc thúc duy trì xuyên suốt Tết và tiếp tục tăng tốc ngay những ngày đầu năm, trên bệ phóng của kết quả giải ngân hết sức tích cực của năm qua - thay cho tình trạng ì ạch những năm trước - cũng mang đến kỳ vọng lạc quan.
Các thách thức cản trở kỳ vọng, dù vậy, không thể chủ quan. Áp lực lạm phát hiện hữu không cao nhưng lạm phát kỳ vọng còn là ẩn số khi biến động bên ngoài vẫn khó dự báo. Sản xuất, kinh doanh chưa hoàn toàn thoát khỏi trạng thái còn dè dặt chờ cầu, đợi đơn hàng, doanh nghiệp, tiêu dùng còn tiếp cận tín dụng khó, trong khi tác động của thị trường địa ốc chưa được “đánh thức” hoàn toàn sau khủng hoảng…
Bên cạnh những động lực tăng trưởng truyền thống, việc khơi dẫn các động lực tăng trưởng mới từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các lĩnh vực mới nổi hay chính đầu tư công thực sự cần thời gian lan tỏa.