Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 02/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 48,54 tỷ USD, giảm 25,8% so với tháng trước và giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 113,96 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất khẩu tăng 19,2%; nhập khẩu tăng 18%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 4,72 tỷ USD.
Về tình hình xuất khẩu hàng hóa, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 02/2024 ước đạt 24,82 tỷ USD, giảm 28,1% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,62 tỷ USD, giảm 30,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 18,2 tỷ USD, giảm 27,2%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2 giảm 5%, trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 0,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 7%.
Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 59,34 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 16,14 tỷ USD, tăng 33,3% và chiếm 27,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 43,2 tỷ USD, tăng 14,7% và chiếm 72,8%.
Trong 2 tháng đầu năm 2024 có 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 75.1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 04 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52.5%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, trong 2 tháng đầu năm, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 0,59 tỷ USD, chiếm 1%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 52,45 tỷ USD, chiếm 88,4%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 5 tỷ USD, chiếm 8,4%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 1,3 tỷ USD, chiếm 2,2%.
Về tình hình nhập khẩu hàng hóa, theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng 02/2024 ước đạt 23,72 tỷ USD, giảm 23,2% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,42 tỷ USD, giảm 25,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 15,3 tỷ USD, giảm 22,1%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 2 tăng 1,8%, trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 5,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 0,1%.
Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 54,62 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 19,67 tỷ USD, tăng 27,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 34,95 tỷ USD, tăng 13,3%.
Trong 2 tháng đầu năm 2024 có 13 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 71% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 02 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 41,3%).
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm 2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 51,47 tỷ USD, chiếm 94,2%, trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 47%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 47,2%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 3,15 tỷ USD, chiếm 5,8%.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa trong 2 tháng đầu năm 2024, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 17,4 tỷ USD. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,9 tỷ USD.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất siêu sang Mỹ ước đạt 15,2 tỷ USD tăng 36,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 13,9%; xuất siêu sang Nhật Bản 0,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,2 tỷ USD); nhập siêu từ Trung Quốc 12,8 tỷ USD, tăng 98,2%; nhập siêu từ Hàn Quốc 3,7 tỷ USD, giảm 4,3%; nhập siêu từ ASEAN 1 tỷ USD, giảm 21,9%.
Cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ tháng 1 xuất siêu 3,62 tỷ USD; tháng 2 ước tính xuất siêu 1,1 tỷ USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4,72 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 3,5 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,53 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 8,25 tỷ USD.
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, thị trường Mỹ đang phục hồi mạnh mẽ, với kim ngạch đạt trên 10 tỷ USD trong tháng đầu năm 2024, tăng 64% so với cùng kỳ.
Các mặt hàng xuất khẩu hiện đang có xu hướng khởi sắc gồm: điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng dệt may, giày dép các loại, gỗ và các sản phẩm từ gỗ…, đều có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, Mỹ hiện đang là khách hàng lớn của Việt Nam, nhiều mặt hàng quan trọng xuất khẩu sang thị trường này trong những tháng đầu năm 2024 đều có sự tăng trưởng cao.
Sự phục hồi của thị trường Mỹ trong những tháng đầu năm là một tín hiệu đáng mừng và đã tạo tâm lý phấn khởi cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới cũng như trong nước còn nhiều khó khăn như hiện nay.
Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước cũng đang phải đối diện với nhiều khó khăn mới như: tình hình căng thẳng ở Biển Đỏ, khiến giá cước phí vận chuyển tăng cao; nhu cầu thị trường thay đổi…Đặc biệt là tình hình căng thẳng ở Biển Đỏ hiện nay, đang khiến cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu rất lo lắng.
Tại cuộc họp thảo luận giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu do tình hình tại Biển Đỏ mới đây, ông Trương Văn Cầm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng, về ảnh hưởng trực tiếp trước mắt chưa nhiều, bởi các đơn hàng đã ký kết rồi thì các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu chỉ chịu trách nhiệm đến hàng lên tàu, còn các khâu tiếp theo sẽ do các hãng tàu và khách hàng chịu.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, khi có rủi ro xảy ra, các khách hàng sẽ yêu cầu nhà bán hàng có những chia sẻ nhất định để giảm tổn thất cho họ. Do đó, điều mà các doanh nghiệp quan tâm là có thông tin sớm, kịp thời để tạo sự chủ động trong việc đàm phán các đơn hàng tiếp theo.
Cũng theo ông Cầm, đáng lo ngại nhất là sự việc không lường được khi nào thì kết thúc. Nếu cứ kéo dài thì các đơn hàng ký tiếp theo chắc chắn khách hàng sẽ đặt vấn đề chia sẻ chi phí do vận chuyển tăng thêm.
“Vì vậy, đề nghị các hãng tàu với các phụ phí tăng thêm nếu có, hoặc những thay đổi liên quan đến vấn đề chi phí thì cần phải minh bạch, thông tin sớm, kịp thời để cho doanh nghiệp có những định hướng ứng phó”, đại diện VITAS nhấn mạnh.