Ông Lê Hữu Quang Huy, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên – Viện Nghiên cứu Đầu tư Quốc tế (ISC), thành viên Ban Chấp hành lâm thời Liên chi Hội Tài chính khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) chia sẻ về xu thế mới của các dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam thời gian gần đây.
Bình luận về dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong thời gian gần đây, đặc biệt là 2 tháng đầu năm 2024 khi Việt Nam thu hút được 4,29 tỷ USD vốn ngoại, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023, ông Lê Hữu Quang Huy cho rằng FDI đầu tư vào Việt Nam đang xuất hiện xu thế mới, đó là tập trung vào các lĩnh vực công nghệ xanh, sạch.
Đặc biệt, dòng vốn này đang có xu hướng đi vào những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao như sản xuất chip, chất bán dẫn. Đây là những điểm tích cực với dòng vốn FDI vào Việt Nam thời gian qua.
Tuy nhiên, ông Lê Hữu Quang Huy đánh giá những dấu hiệu trên cũng đặt ra cho Việt Nam những yêu cầu mới về vấn đề nhân sự trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, đòi hỏi phải có giải pháp thích ứng để hấp thụ dòng vốn đầu tư chất lượng cao từ các tập đoàn nước ngoài.
Bên cạnh đó, vấn đề nguyên liệu cung ứng cho doanh nghiệp FDI như thế nào, làm sao để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp nước ngoài với giá cả cạnh tranh… bên cạnh nguồn nguyên liệu trong nước cũng cần tính đến việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhà đầu tư.
Có ý kiến cho rằng, thời gian qua các dự án đầu tư nước ngoài phần lớn đều tập trung vào những tỉnh, thành có điều kiện hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển.
Theo quan điểm của ông Lê Hữu Quang Huy, chúng ta không nhất thiết phải “dải đều” dòng vốn FDI ở tất cả các địa phương, mà tuỳ thuộc vào lợi thế của mỗi địa phương để làm sao có hướng phát triển kinh tế phù hợp.
Đơn cử, các địa phương có lợi thế về nông nghiệp có thể tập trung phát triển các ngành chế biến nông sản xuất khẩu, chứ không “nhất thiết” phải theo đuổi mục tiêu sản xuất chip.
“Vấn đề quan trọng là phải lấy người dân làm trung tâm, nhằm thay đổi đời sống cho người dân theo hướng ổn định. Đầu tư nước ngoài là tốt, nhưng không phải con đường duy nhất để các địa phương đạt được mục tiêu này”, ông Lê Hữu Quang Huy bày tỏ.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), luỹ kế đến thời điểm hiện tại Việt Nam thu hút được 39.553 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 473,1 tỷ USD, tổng vốn thực hiện của các dự án FDI đạt gần 300 tỷ USD, bằng 63,4% tổng vốn đăng ký.
Riêng 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam thu hút được 4,29 tỷ USD vốn FDI, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó vốn FDI đăng ký mới có 405 dự án với tổng vốn đăng ký đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 55,2% về số dự án và gấp hơn 2 lần về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, vốn FDI giải ngân trong 2 tháng đầu năm 2024 cũng ghi nhận đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ 2023.
Với kết quả thu hút FDI thời gian qua, đặc biệt là 2 tháng đầu năm 2024 cho thấy, mặc dù thời gian qua thu hút FDI toàn cầu không ổn, nhưng dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam vẫn ổn định và có xu hướng tăng lên. Điều đó chứng tỏ, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư của cả khu vực và thế giới.