Sau đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10/2023, EC đã có công thư chính thức về kết quả chống khai thác IUU tại Việt Nam. Theo đó, EC khuyến nghị Việt Nam cần áp dụng các cơ chế kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo tất cả các tàu cá đã hủy đăng ký không được phép tham gia hoạt động khai thác thủy sản.
Đảm bảo thông tin dữ liệu tàu cá trong VNFishbase là hoàn toàn chính xác và có cơ chế theo dõi, đôn đốc các địa phương thực hiện việc cập nhật cơ sở dữ liệu nghề cá theo quy định. Duy trì việc cấm đăng ký tàu mới, kiểm soát tàu cá "3 không".
Rà soát lại quy trình xử lý đối với việc ngắt kết nối VMS. Đặc biệt, xử phạt tất cả các trường hợp vi phạm quy định về VMS, vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Đây là khuyến nghị quan trọng nhất tại đợt thanh tra lần này của EC để xem xét gỡ cảnh báo "thẻ vàng" vào hạn chót cuối tháng 4/2024.
Tuy nhiên, theo đại diện Hội Nghề cá TP.Rạch Giá (Kiên Giang) nhiều chủ tàu trên địa bàn TP.Rạch Giá rất chật vật để lo trang trải chi phí ra khơi. Chi phí cho một chuyến biển hiện lên đến gần 1,3-1,4 tỉ đồng cho một cặp tàu ra khơi khoảng 30 ngày.
Đối với các tàu làm nghề lưới khác, chi phí cũng khoảng từ 500-600 triệu đồng/tàu, trong đó chi phí xăng, dầu chiếm hơn 70% tổng chi phí chuyến biển. Giá xăng, dầu từ tết đến nay vẫn neo ở mức cao, cộng thêm việc giá cả các mặt hàng khác như nước đá, lương thực, thực phẩm cũng tăng theo giá dầu.
Bối cảnh khó khăn đó càng làm cho những nỗ lực khuyến cáo các chủ tàu phải tuân thủ quy định pháp luật để gỡ "thẻ vàng" IUU thêm vất vả hơn.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam bày tỏ sự lo lắng vì thời gian từ đây đến ngày 30/4 còn quá ngắn. Nhưng, quan trọng nhất là ý thức, tâm lý của ngư dân khi tìm được nguồn hải sản để đánh bắt.
Vì không ai muốn chia sẻ lợi nhuận của mình, nhất là trong bối cảnh nguồn tài nguyên hải sản khan hiếm, chi phí khai thác tăng cao. Chính vì lý do đó mà suốt nhiều năm nay tình trạng mất liên lạc trên biển hoặc đánh bắt sai vùng vẫn chưa khắc phục được.
Trước đó, tại hội nghị triển khai giải pháp khắc phục "thẻ vàng" IUU được Bộ NN-PTNT tổ chức mới đây, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết sau 4 đợt thanh tra thực tế, Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) đã ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong chống khai thác IUU.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể gỡ được cảnh báo "thẻ vàng" do còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu. Nếu để tình trạng này kéo dài nguy cơ bị nâng mức cảnh báo lên "thẻ đỏ" là rất cao.
Xét về tổng thể, đến nay tại một số địa phương vẫn còn tồn tại, hạn chế chậm khắc phục như tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn tiếp tục xảy ra, diễn biến phức tạp. Việc kiểm soát, xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác chưa hiệu quả. Nhiều địa phương chưa quản lý, kiểm soát được tàu cá "3 không".
Cơ quan, lực lượng chức năng tại địa phương chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ trong điều tra, xác minh, xử phạt các hành vi chống khai thác IUU, như khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, ngắt kết nối hoặc gửi, vận chuyển VMS trái phép, vi phạm về nhật ký khai thác, tàu cá hoạt động khai thác sai vùng... dẫn đến kết quả còn rất hạn chế, chưa đồng bộ giữa các địa phương, không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật…