Tiếp tục đà tăng trưởng bền bỉ
Theo Kirin Capital, một tổ chức đầu tư vốn cổ phần tư nhân bắt nguồn và nghiên cứu chuyên sâu tại thị trường Việt Nam, sau hơn 15 năm chuyển đổi, thị trường M&A Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng hết sức bền bỉ. Năm 2023 đánh dấu hơn 15 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Kể từ thời điểm đó, thị trường Việt Nam liên tục chuyển mình để đón nhận dòng vốn mạnh mẽ từ giới đầu tư nước ngoài. Nhiều thương vụ tỷ đô đã diễn ra trong giai đoạn này như Central Group của Thái Lan mua lại Siêu thị Big C với giá 1,14 tỷ USD (2016), Thai Baverage mua lại Sabeco với giá 4,8 tỷ USD (2017), hay thương vụ đầu tư 1 tỷ đô vào Vingroup của Tập đoàn SK Hàn Quốc (2019)…
Không những vậy, thị trường M&A Việt Nam đang ngày một trở nên hấp dẫn hơn với giới đầu tư ngoại khi Luật Đầu tư (năm 2020) và Luật Doanh nghiệp (năm 2020) được ban hành, hướng tới tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, thay đổi đáng chú ý là việc bỏ yêu cầu phải có chấp thuận M&A khi giao dịch mua bán không dẫn tới việc tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài của doanh nghiệp tăng lên. Bên cạnh đó, một số thay đổi nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi của các cổ đông thiểu số như điều chỉnh ngưỡng sở hữu cổ phần của cổ đông/nhóm cổ đông để yêu cầu triệu tập đại hội đồng cổ đông từ 10% xuống còn 5%.
Tuy nhiên, Kirin Capital cho rằng, nhìn lại thị trường M&A năm 2023, không khó để nhận thấy sự đi xuống rõ rệt trong bối cảnh đi xuống chung của toàn cầu. Đối mặt với nhiều bất ổn chính trị và kinh tế vĩ mô thế giới, nhà đầu tư nước ngoài cũng trở nên cẩn trọng hơn khiến hoạt động và giá trị giao dịch toàn cầu đều rơi vào cảnh đình trệ. Trong đó, tác động lớn nhất phải nói tới là việc thắt chặt chính sách tiền tệ tại các nước lớn hình thành môi trường lãi suất cao, khiến chi phí tiến hành các giao dịch trở nên đắt đỏ. Thêm vào đó, sự bất ổn của tỷ giá cũng gây khó khăn trong việc định giá và quyết định đầu tư xuyên biên giới.
Tại Việt Nam nói riêng, mặc dù lạm phát được kiểm soát tốt so với mục tiêu đề ra dưới 4% và tăng trưởng GPD ở mức ổn là 5,05%, thế nhưng nước ta cũng không phải là ngoại lệ trước xu hướng chậm lại của thị trường M&A toàn cầu. Theo đó, giá trị giao dịch trong 10 tháng đầu năm 2023 giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời, số thương vụ cũng thấp hơn đáng kể so với 2 năm trước đó. Tuy nhiên, xét về giá trị bình quân cho mỗi thương vụ trong 10 tháng đầu năm qua vẫn ghi nhận mức giá trị trung bình đạt 54,5 triệu USD, gấp 3,56 lần so với năm 2022. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang tích cực tham gia tìm kiếm các thương vụ chiến lược.
Nhà đầu tư nước ngoài áp đảo thị trường M&A
Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2023, dòng vốn M&A đang có sự chuyển mình rõ rệt khi thấy sự chững lại của dòng vốn đầu tư nội địa, trong khi đó, giới đầu tư nước ngoài vẫn tích cực giải ngân vào thị trường. Trong đó, nhà đầu tư trong nước đã chuyển sang thế phòng thủ để đánh giá lại chiến lược của mình với giá trị M&A giảm xuống còn 161,6 triệu USD, chiếm khoảng 4% tổng giá trị giao dịch được công bố. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài đã chiếm lĩnh cả 5 vị trí top đầu về giá trị giao dịch. Nhật Bản, Singapore và Mỹ tiếp tục là những nhà đầu tư nước ngoài hoạt động sôi nổi nhất thị trường, chiếm đến hơn 70% tổng giá trị giao dịch được công bố.
“Việc nhà đầu tư nước ngoài áp đảo thị trường M&A năm nay có thể là dấu hiệu chuyển hướng của thị trường từ đầu tư cơ hội sang đầu tư chiến lược dài hạn trong các ngành mạnh và có chọn lọc. Những tài sản có khả năng mở rộng, theo xu hướng khu vực, nắm bắt được xu thế cung cầu trong nước và sự thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tiếp tục thu hút quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài”, Kirin Capital đánh giá.
Dưới góc nhìn lạc quan, Kirin Capital cho rằng, các yếu tố kinh tế nội tại của Việt Nam vẫn đang được duy trì với dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn ổn định và cam kết của Chính phủ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và cải cách kinh tế tiếp tục không suy giảm. Sự sụt giảm tạm thời trên thị trường M&A có thể được xem như một phần của chu kỳ kinh tế rộng hơn, với năm 2023 là năm mà thị trường tìm lại sự cân bằng để tiến tới phát triển bền vững.
Cũng theo Kirin Capital, năm 2023, giao dịch M&A vẫn diễn ra mạnh mẽ trong ngành tài chính (47%), bất động sản (23%) và y tế (10%), chiếm tổng cộng 80% giá trị giao dịch và có tới 4 giao dịch thuộc top 5 thương vụ có giá trị lớn nhất trong 10 tháng đầu năm 2023. So với năm trước, dịch vụ tài chính và y tế đã thay thế ngành tiêu dùng và công nghiệp về giá trị giao dịch.
Nhìn về phía trước, Kirin Capital nhận định, thị trường M&A Việt Nam đã sẵn sàng cho tăng trưởng vào năm 2024. Điều này được hỗ trợ bởi nhiều bước tiến kinh tế và cải cách nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài, với giao dịch gia tăng trong các lĩnh vực chính như năng lượng xanh, công nghệ, bất động sản và chăm sóc sức khoẻ.
“Sự chú ý của giới đầu tư trong năm tới sẽ tiếp tục đổ dồn về những ngành sôi động trong năm qua như ngành y tế đến từ việc thay đổi cấu trúc dân số trong trung và dài hạn, ngành chứng khoán với triển vọng từ nâng hạng thị trường và không thể không kể đến ngành ngân hàng khi đây luôn được xem như là ngành huyết mạch của nền kinh tế Việt Nam”, chuyên viên phân tích của Kirin Capital nhận định.