Trên thực tế, các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người tiêu dùng tại Việt Nam đã được chú trọng hơn sau đại dịch COVID-19. Do đó, thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam được coi là “chiếc bánh” hấp dẫn các chuỗi nhà thuốc nỗ lực cạnh tranh, giành thị phần.
Thị trường tiềm năng
Theo một nghiên cứu về chi tiêu của người tiêu dùng cho các sản phẩm y tế của Vietdata, số tiền chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam đang tăng lên cực kỳ nhanh chóng. Trong 5 năm qua, chi tiêu cho các sản phẩm y tế đã tăng từ 16 tỷ USD lên hơn 20 tỷ USD. Dự kiến đến năm 2025 con số này có thể đạt hơn 23 tỷ USD.
Đến nay, Việt Nam có hơn 60.000 nhà thuốc bán lẻ. Doanh thu của thị trường này đang tiệm cận con số 10 tỷ USD, dự kiến đến năm 2026 tổng doanh thu của thị trường này sẽ đạt 16 tỷ USD.
Theo báo cáo mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường IMARC Group, với sự ảnh hưởng của làn sóng công nghệ số, các chuỗi nhà thuốc hiện đại đang phát triển một cách nhanh chóng trên thị trường Việt Nam. Số lượng ngày càng tăng của các cửa hàng và nền tảng bán lẻ dược phẩm trực tuyến đã cung cấp nhiều loại thuốc và giao thuốc đến tận tay người tiêu dùng đúng thời gian là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường.
Tuy nhiên, các chuỗi nhà thuốc hiện đại này mới chỉ chiếm khoảng 15% thị trường ở thời điểm hiện tại. Do vậy, dự kiến trong tương lai con số này sẽ tăng lên đáng kể và các chuỗi nhà thuốc hiện đại sẽ là mục tiêu mà các doanh nghiệp bán lẻ dược phẩm hướng tới.
Rõ ràng, với một thị trường có nhiều tiềm năng phát triển, bán lẻ dược phẩm đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt của các chuỗi mở rộng. Nhiều doanh nghiệp khác cũng đã và đang có ý định lấn sân sang thị trường dược phẩm, tạo ra sự cạnh tranh rất lớn giữa các nhà bán lẻ dược phẩm.
Trong đó, 3 thương hiệu dẫn đầu chuỗi nhà thuốc hiện tại đều là những cái tên quen thuộc bao gồm: Long Châu của FPT Retail, Pharmacity hay An Khang của Thế Giới Di Động đang trong giai đoạn cạnh tranh vô cùng khốc liệt.
Cuộc đua đến hồi phân hóa?
Tuy nhiên, khi nhìn vào những báo cáo gần đây, người ta đang thấy rõ sự vươn lên mạnh mẽ của chuỗi nhà thuốc Long Châu dưới sự hậu thuẫn của Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT, hay còn gọi là FPT Retail.
Chuỗi nhà thuốc Long Châu đang nhanh chóng mở rộng mạng lưới để củng cố vị thế là nhà bán lẻ thuốc lớn nhất Việt Nam trong khi các đối thủ khác đang thu hẹp quy mô hoạt động hoặc tạm ngừng mở rộng. Theo đó, chỉ tính riêng trong năm 2023, gã khổng lồ bán lẻ FPT Retail đã mở mới 560 nhà thuốc để nâng tổng số cửa hàng Long Châu lên con số 1.497, vượt qua Pharmacity để trở thành chuỗi nhà thuốc số 1 cả nước.
Trong khi đó, Pharmacity, từng là nhà bán lẻ thuốc lớn nhất tính đến giữa năm 2022 với hơn 1.100 cửa hàng, đã giảm mạnh chuỗi cửa hàng xuống dưới 1.000 cửa hàng tính đến cuối năm 2023. Cùng với đó, sự biến động về cổ đông lớn và nhân sự cấp cao vào hồi cuối năm 2022 cũng cho thấy sự “hụt hơi” của Pharmacity trong cuộc đua mở rộng chuỗi nhà thuốc với Long Châu.
Tương tự, chuỗi nhà thuốc An Khang của Thế Giới Di Động cũng có dấu hiệu tụt dốc, đóng cửa năm 2023 chỉ với 527 cửa hàng sau khi nhanh chóng mở rộng mạng lưới lên 500 cửa hàng vào năm 2022. Như vậy, thay vì tiếp tục đẩy mạnh mở rộng quy mô để đạt mục tiêu 800 cửa hàng vào cuối năm 2022, Thế Giới Di Động đã có động thái chậm lại, trước khi đưa ra quyết định tạm ngừng mở mới vào năm 2023.
Có thể nói, sau giai đoạn tăng trưởng nóng trong việc chạy đua giành thị phần. Giờ đây, An Khang dừng mở mới, Pharmacity cơ cấu lại, còn Long Châu đã vươn lên dẫn đầu về quy mô. Cuộc đua mở rộng sự hiện diện của ba chuỗi nhà thuốc hàng đầu thị trường Việt Nam - Pharmacity, An Khang, Long Châu - dường như đã có sự ngã ngũ khi phần áp đảo thuộc về chuỗi bán lẻ có khả năng thích ứng nhanh với xu hướng tiêu dùng mới, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng.