Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Bá nhấn mạnh về việc Việt Nam cần có sự đột phá mạnh mẽ hơn trong đổi mới sáng tạo để tạo đà tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Bá cho biết, tính từ năm 1986 đến nay bình quân tăng trưởng của Việt Nam khoảng 6,5%/năm. Nếu so với tốc độ tăng trưởng với các nước trong khu vực và trên thế giới thì đây là kết quả rất đáng khích lệ.
Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn tăng trưởng cao như vậy, Hàn Quốc đã “hoá rồng, hoá hổ” với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7%/năm. Trong khi, Việt Nam gần 40 năm duy trì tốc độ tăng trưởng tương đương với Hàn Quốc nhưng tại sao chưa “hoá rồng, hoá hổ”?
Chuyên gia Lê Xuân Bá lý giải, có rất nhiều câu hỏi “vì sao”, nhưng theo số liệu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra cho thấy, 10 năm đầu tăng trưởng cao, 10 năm sau thấp hơn.
“Và nếu như chúng ta không cải cách đổi mới mạnh mẽ thì 10 năm sau nữa có thể sẽ dẫn đến tăng trưởng âm. Đây là rào cản rất lớn và cần phải vượt qua”, chuyên gia Lê Xuân Bá nhấn mạnh.
Nguyên nhân, do tăng trưởng của Việt Nam theo biểu đồ hình sin, năm cao nhất 9,5% năm thấp nhất lại -2,8%. Tăng trưởng cao của năm trước không đủ bù đắp cho tăng trưởng thấp của năm sau. “Cách thức tăng trưởng như vậy rất không bất ổn và nguy hiểm”, chuyên gia Lê Xuân Bá bày tỏ.
Vẫn theo chuyên gia Lê Xuân Bá, sự tăng trưởng “trồi sụt” này phụ thuộc vào nhiều vấn đề. Trong đó, tăng trưởng của Việt Nam vẫn dựa vào đầu tư vốn giá rẻ, lao động thiếu kỹ năng, phần đóng góp của thể chế, quản trị quốc gia vào tăng trưởng thấp và ít được quan tâm.
“Chúng ta chỉ lo đi chạy vốn, kêu gọi vốn, mải mê với số lượng lao động giá rẻ… Nhưng lại không chú ý đến chất lượng lao động, hiện nay có đến 70% số lượng lao động không qua đào tạo. Đây là điều đáng báo động ở Việt Nam”, chuyên gia Lê Xuân Bá nói.
Vậy, tạo sao lại có tình trạng này? Theo chuyên gia Lê Xuân Bá, từ vài chục năm nay ở Việt Nam, không có những đột phá trong đổi mới và cải cách.
Trong khi, vào thập niên 80 Việt Nam liên tiếp có những đột phá trong đổi mới. Đơn cử, năm 1981 chúng ta có Quyết định 25-CP ngày 21/1/1981 của Chính phủ cho phép các đơn vị kinh tế quốc doanh xây dựng và thực hiện 3 kế hoạch đã tạo bước chuyển biến quan trọng trong sản xuất công nghiệp.
Cụ thể, đối với xí nghiệp quốc doanh, cho phép áp dụng chế độ ba kế hoạch (ngoài phần kế hoạch do Nhà nước giao, xí nghiệp được liên doanh, liên kết với các xí nghiệp nhà nước khác và được sản xuất cho thị trường, lúc đó gọi là “thị trường tự do”.
Năm 1988 có Nghị quyết số 10-NQ/TW (Khoán 10) của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp là “cú hích” mạnh mẽ cho sản xuất nông nghiệp. Khoán 10 là tiền đề để quy định về giao ruộng đất ổn định, lâu dài cho nông dân.
Kết quả của Khoán 10 đã đưa Việt Nam từ một nước phải đi nhập khẩu 1 năm 500.000 tấn lương thực, nhưng chỉ 1 năm sau đã xuất khẩu 500.000 tấn gạo và hiện nay xuất khẩu hàng năm 7 – 8 triệu tấn gạo từ chủ trương chia ruộng cho nông dân.
Năm 1989, chúng ta đã “dũng cảm” bỏ tem phiếu và sổ gạo. Thời điểm đó, nhiều người lo ngại nếu bỏ thì xã hội sẽ là “loạn”. Nhưng, thực tế sau khi xoá bỏ chế độ tem phiếu và sổ gạo thì tình hình kinh tế-xã hội lại ngày càng tốt lên.
“Tuy nhiên, trong vài chục năm trở lại đây tôi nhận thấy chúng ta không có nhiều đổi mới và đột phá mạnh mẽ. Nếu chúng ta không quyết liệt đổi mới thì đừng mong phát triển nhanh”, chuyên gia Lê Xuân Bá nhấn mạnh.