Một là, năm 2024 dự kiến sẽ là năm trọng điểm giải ngân đầu tư công trong giai đoạn từ 2021 – 2025. Theo VFS, năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) được Chính phủ giao giải ngân hơn 94.160 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2022, gấp 2,2 lần năm 2021. Hết tháng 11/2023, ước giải ngân của Bộ đạt khoảng 90% kế hoạch và dự kiến hết niên độ đạt trên 95%.
Sang năm 2024, Bộ GTVT tiếp tục đặt mục tiêu phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao. Ngoài ra, Bộ cũng đặt mục tiêu năm 2024 hoàn thành thủ tục khởi công 19 gói thầu thuộc các dự án trọng điểm như: cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, sân bay Long Thành, đường vành đai 3 TP.HCM, đường vành đai 4 TP. Hà Nội.
“Dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 có quy mô mỗi gói thầu thành phần cao hơn đáng kể so với dự án thuộc giai đoạn 1. Từ đó khiến cho khối lượng backlog của các công ty trúng thầu được cải thiện rõ rệt”, VFS đánh giá.
Hai là, Chính phủ quyết tâm đưa ra những giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm tiền độ giải ngân vốn đầu tư công. Nhiều giải pháp đã được cơ quan nhà nước đưa ra nhằm hỗ trợ cho các nhà thầu, đặc biệt liên quan đến vấn đề thiếu hụt và trượt giá nguyên vật liệu. Cụ thể:
Thứ nhất, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành văn bản số 4766/BTNMT-KSVN gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc hướng dẫn khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, phục vụ các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc được áp dụng cơ chế đặc thù. Văn bản này cho phép các nhà thầu thi công trực tiếp khai thác mỏ vật liệu mà không cần thực hiện cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản theo Luật Khoáng Sản.
Thứ hai, Bộ Xây dựng gửi công văn số 4682/BXD – KTXD về việc công bố giá vật liệu, chỉ số giá xây dựng. Công văn yêu cầu địa phương phối hợp và yêu cầu chủ đầu tư dự án cung cấp danh sách các loại vật liệu chưa có trong danh sách công bố giá vật liệu của địa phương, hoặc đã công bố giá nhưng chưa đúng với giá thị trường để điều chỉnh, bổ sung kịp thời.
Thứ ba, Bộ GTVT và Bộ Xây dựng yêu cầu hàng loạt địa phương công bố giá vật liệu theo diễn biến thị trường hàng tháng và nhiều địa phương công bố giá vật liệu hàng quý. Điều này giúp bảo vệ các doanh nghiệp xây dựng khỏi các biến động giá nguyên vật liệu trong quá trình thi công dự án.
“Những giải pháp trên của Chính phủ là vô cùng quan trọng giúp cho các doanh nghiệp đảm bảo được nguồn vật liệu xây dựng và duy trì được biên lợi nhuận trong bối cảnh giá nguyên vật liệu biến động”, VFS đánh giá.
Ba là, môi trường lãi suất thấp giúp cho các doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận. Theo VFS, lãi suất cho vay trung – dài hạn bắt đầu giảm từ tháng 5/2023 và bắt đầu giảm mạnh trong quý IV/2023. Thời điểm đầu tháng 1/2024 lãi suất cho vay trung – dài hạn giảm về quanh mức 7%/năm.
Ngành xây dựng vốn là một những ngành có tỷ lệ nợ vay cao với Chi phí lãi vay trung bình chiếm khoảng 57% tổng các loại chi phí (không kể giá vốn hàng bán). Vì vậy việc lãi suất giảm sẽ là tín hiệu tính cực đối với các doanh nghiệp. Từ đó, gánh nặng chi trả nợ vay được giảm thiểu và biên lợi nhuận được cải thiện.
Bốn là, giá nguyên vật liệu hạ nhiệt cũng là yếu tố quan trọng giúp cải thiện lợi nhuận. VFS cho rằng, vật liệu xây dựng là yếu tố đầu vào quan trọng đối với các doanh nghiệp xây dựng khi loại chi phí này thường chiếm đến 70% tổng chi phí và khó có khả năng kiểm soát nhất. Trong đó, thép là vật liệu chiếm tỉ trọng cao nhất, khoảng 45%. Do đó, biến động của giá thép sẽ tác động lớn đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, giá thép xây dựng trong năm 2023 giảm đáng kể từ vùng vùng 17.000 – 18.000 VND/Kg về vùng 14.00 – 15.000 VND/Kg. VFS dự báo, giá thép vẫn sẽ duy trì quanh vùng hiện tại trong năm 2024 do lượng hàng tồn kho trong nước vẫn ở mức cao và nhu cầu nhập khẩu thép thấp từ các nước, đặt biệt là từ thị trường Trung Quốc. Do đó, đơn vị này kỳ vọng, việc nguyên vật liệu giá rẻ sẽ dần phản ánh vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng trong các quý tới.
Năm là, khả năng gặp phải vấn đề thiếu hụt nguyên vật liệu tại khu vực phía Nam. Các dự án trọng điểm trong giai đoạn 2021 – 2025 tập trung chủ yếu trong khu vực phía Nam, đặt biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, đặc điểm địa lý tại khu vực ĐBSCL có trữ lượng cát phù hợp cho xây dựng và sân lấp còn hạn chế. Trữ lượng cát đạt tiêu chuẩn chủ yếu tập trung ở khu vực thượng lưu sông, khu vực hạ lưu đổ ra Biển Đông thì phần lớn ở dạng đất sét và đất phù sa.
Ngoài ra, khu vực hạ lưu sông có đặc điểm nền đất yếu, nhiều phu sa cũng sẽ đòi hỏi lượng cát dùng cho san lấp và đắp nền cho các dự án cao tốc cao hơn so với thông thường.
Do đó, để có đủ lượng cát san lấp và đắp đất khả năng cao các doanh nghiệp sẽ phải huy động từ các nguồn cung cấp tại các tỉnh xa hơn. Từ đó, làm tăng chi phí vận chuyển. Ngoài ra, việc chính sách hạn chế tải trọng xe và giá xăng dầu duy trì ở mức cao cũng tạo áp lực lên chi phí vận chuyển.