Chuyển đổi số cũng trở thành xu thế tất yếu trong những năm tới nhằm đưa nền kinh tế vào quỹ đạo tăng trưởng mới mang tính bứt phá.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, GS. TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo trường đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Phát triển kinh tế số dựa công nghệ số và dữ liệu đang thẩm thấu một cách tự nhiên vào nền kinh tế, vào quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Phương thức tăng trưởng ngày càng giữ vai trò chủ đạo đưa kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, thích ứng kiên cường hơn trước những thách thức của thế giới biến động ngày càng khó lường.
- Thưa ông, đâu là sức mạnh tiềm năng để kinh tế số được chờ đợi trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong bối cảnh các động lực tăng trưởng truyền thống đang đến giới hạn?
Thế giới đang đứng trước thách thức là phát triển nhanh và bền vững. Mô hình tăng trưởng truyền thống dựa vào vốn cố định, con người và tài nguyên thiên nhiên đã đến mức chạm ngưỡng. Tác động lan tỏa của đầu tư nước ngoài cũng như dịch chuyển cơ cấu lao động giữa các ngành đến tăng trưởng năng suất có thể sẽ không còn như trước. Suy thoái môi trường đã hiện hữu đang thách thức tính bền vững của mô hình tăng trưởng truyền thống. Trong thời điểm này, cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với sự tích hợp của số hóa, kết nối dữ liệu thông minh đã và đang góp phần hoá giải thách thức trên.
Bối cảnh hiện nay được xem là “thời cơ vàng” để Việt Nam nắm bắt nhanh chóng cơ hội từ chuyển đổi số, kinh tế số mang lại để phát triển các dư địa và tối ưu hoá nguồn lực phát triển mới tạo ra năng suất lao động cao hơn góp phần thay đổi thứ hạng quốc gia, đưa nền kinh tế bước vào một quỹ đạo tăng trưởng bứt phá. Đặc biệt, với dữ liệu, lần đầu tiên con người đưa vào phương thức sản xuất tài nguyên thiên nhiên mới, tạo ra kinh tế chia sẻ, kinh tế nền tảng, kinh tế internet, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động cơ bản. Đa số các nghiên cứu về kinh tế số đều nói rằng, phát triển kinh tế số chính là phát triển kinh tế xanh bởi đây là nền kinh tế không tiêu thụ nhiên liệu theo nghĩa truyền thống.
- Ông đánh giá như thế nào về dư địa phát triển kinh tế số cho năm 2024 và những năm tiếp theo?
Các yếu tố cấu thành kinh tế số tại Việt Nam đang có những dư địa tăng trưởng khác nhau. Theo thống kê, kinh tế số lõi (công nghệ thông tin và truyền thông) đạt mức tương đương của thế giới nên thực sự dư địa tăng trưởng không còn nhiều. Còn lại, kinh tế số nền tảng và kinh tế số ngành - tác động của công nghệ thông tin được thẩm thấu vào nền kinh tế - hiện thấp hơn nhiều so với trung bình thế giới. Do đó, đây chính là hai dư địa còn lại có rất nhiều tiềm năng để phát triển và tăng trưởng.
Trong kinh tế số nền tảng, chủ trương của Đảng và chính sách Chính phủ rất rõ ràng trong việc cố gắng xây dựng nền tảng số của Việt Nam, do Việt Nam làm chủ, góp phần định hình sự phát triển kinh tế số nền tảng. Đối với ứng dụng công nghệ trong các ngành khác nhau, thực sự dư địa tăng trưởng rất lớn. Ứng dụng công nghệ trong các ngành của nền kinh tế Việt Nam như tài chính ngân hàng, giáo dục, y tế, nông nghiệp, công nghiệp, logistic… chắc chắn không chỉ tạo sự thay đổi về phương thức, không gian tăng trưởng mới mà còn tạo ra sự thay đổi về chất trong năng suất lao động. Trên cơ sở đó tạo quỹ đạo phát triển mới trong thời gian tới.
- Cơ hội để nền kinh tế và các doanh nghiệp bứt phá phát triển là rất lớn. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, những thách thức cũng khá nhiều, thưa ông?
Phát triển kinh tế số không đơn thuần chỉ có bài toán công nghệ. Công nghệ tuy có vai trò quan trọng nhưng quan trọng và cần thiết nhất là thể chế. Phát triển kinh tế số gắn với đổi mới sáng tạo cùng nhiều nội dung mới nên thể chế có tính chất mở đường. Nhắc đến thể chế, Chính phủ có vị trí đặc biệt trong việc xây dựng thể chế kiến tạo sự phát triển của kinh tế số, tức là phải tạo ra những con đường mới cho phương thức sản xuất mới.
Trong kinh tế số, cần thiết phải phổ biến các nền tảng số nhưng hiện nay chúng ta chưa có nhiều nền tảng số. Chính phủ nên đặt bài toán này cho các doanh nghiệp và đầu tư một cách thích đáng vào Chiến lược phát triển nền tảng số trong thời gian tới. Ngoài ra, đào tạo nhân lực số và xây dựng thể chế đổi mới sáng tạo trong kinh tế số là yêu cầu quan trọng. Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số để có sự chuẩn bị tốt nhất cho khả năng thích ứng của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp SME, doanh nghiệp siêu nhỏ. Ngược lại, các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt cơ hội, tối ưu hoá mô hình kinh doanh, phát triển kỹ năng mới, nâng cao năng lực quản trị phù hợp với mô hình sản xuất kinh doanh mới.
- Trân trọng cảm ơn ông!