Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn cả nước về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục và giao dịch quốc tế, là một động lực phát triển quan trọng đối với sự phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Mặc dù có nhiều lợi thế phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực, song thành phố đang còn một số khó khăn, thách thức, “điểm nghẽn” cần giải quyết để tăng trưởng và phát triển bền vững.
Phát biểu tại phiên họp thẩm định Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch Thủ đô), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: để đạt được mục tiêu trên, thành phố Hà Nội cần xác định rõ những tiềm năng riêng có, các thế mạnh khác biệt và nổi trội. Đặc biệt, trong bản quy hoạch lần này cần có cách tiếp cận mới, tư duy mới, mở rộng tầm nhìn phát triển và đưa ra lộ trình thực hiện rõ ràng. Cùng với đó, việc phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm; dựa trên liên kết vùng để tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế và tương xứng với vị trí, cực tăng trưởng phát triển của vùng và cả nước.
Cụ thể, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã đề xuất 6 điểm mới có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển.
Thứ nhất, trên cơ sở đề xuất mục tiêu phát triển Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, nơi hội tụ tinh hoa của cả nước và nhân loại; là trung tâm kinh tế - tài chính lớn của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực… Quy hoạch đã đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm. Nổi bật là giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường các dòng sông; giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng tại khu vực đô thị, đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ cho các vùng địa hình thấp trũng; giải quyết căn bản tình trạng kẹt xe tại các cửa ngõ thành phố và tình trạng ùn tắc giao thông đô thị vào giờ cao điểm.
Thứ hai, đề xuất phát triển Thủ đô theo hướng thông minh và kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ. Để đạt được mục tiêu trên, Quy hoạch xác định 5 trụ cột phát triển Thủ đô gồm: văn hóa và di sản; phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn; hạ tầng đồng bộ, giao thông văn minh, hiện đại; xã hội số, đô thị thông minh, kinh tế số; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó là 4 khâu đột phá chiến lược gồm: tạo lập thể chế quản trị vượt trội; phát triển hệ thống hạ tầng kết nối, đồng bộ, đặc biệt là đường sắt đô thị; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và khai thác tài nguyên nhân văn; phát triển đô thị, cải tạo môi trường và cảnh quan.
Thứ ba, xác định phương hướng phát triển các ngành quan trọng như định hướng trở thành trung tâm hàng đầu về công nghiệp vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học; phát triển sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao; phát triển dịch vụ và kinh tế đô thị là trụ cột kinh tế với việc phát triển dịch vụ… đảm bảo cân đối, hài hòa.
Thứ tư, tổ chức không gian phát triển thủ đô Hà Nội với 5 trục động lực; trong đó trục sông Hồng là trục động lực chính, điểm nhấn của vùng đô thị trung tâm kết nối đô thị phía Nam và phía Bắc sông Hồng với định hướng hình thành không gian văn hóa, lễ hội, văn hóa, thể thao, phát triển du lịch, dịch vụ kinh tế ban đêm và các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, chăm sóc người cao tuổi dọc hai bên sông. Khai thác có hiệu quả 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế thủ đô Hà Nội thực sự trở thành đầu mối hội tụ, trung tâm kết nối, động lực lan toả nội vùng và liên vùng…
Thứ năm, phát triển hạ tầng giao thông kết nối 44 phương thức vận tải bao gồm hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt đô thị với đường sắt quốc gia kết nối liên vùng và quốc tế, đường thủy nội địa với vận tải biển; đường vành đai 4 và 5 kết nối vùng. Đồng thời, mở rộng, nâng công suất sân bay Nội Bài ở mức giới hạn hiệu quả; xây dựng sân bay thứ 2 vùng Thủ đô để mở rộng không gian phát triển khu vực phía Nam.
Cuối cùng, phát triển công nghiệp văn hóa kết hợp với dịch vụ du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặc sắc của Thủ đô gắn với phục dựng các di tích lịch sử, di sản văn hóa kết hợp truyền thống với ứng dụng công nghệ.
Tại phiên họp thẩm định, từ các ý kiến đóng góp, cơ quan lập quy hoạch sẽ nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội để báo cáo xin ý kiến của Quốc hội và trình phê duyệt theo quy định.