Số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cho thấy, đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Trong đó, tín dụng với lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng tốt. Tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn tăng 11,56%; tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 13,61%; tín dụng cho xuất khẩu tăng 6,57%; công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao lần lượt là 26,18% và 17,52%..
Tuy nhiên, bước sang tháng 01/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023. Mức giảm ở 5/9 nhóm tổ chức tín dụng: Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước giảm 0,88%, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần giảm 0,51%, nhóm ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu giảm 2,22%, nhóm ngân hàng 100% vốn nước ngoài giảm 0,32%, nhóm ngân hàng liên doanh giảm 3,41%.
Bên cạnh đó, đến 31/01/2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023.
Lý giải về tình trạng đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, đây là hiện tượng bình thường trong các tháng đầu năm do tâm lý khách hàng và các hoạt động kinh tế chưa sôi động do đây là mùa nghỉ lễ.
Theo nhận định của các ngân hàng, tăng trưởng tín dụng giảm không phải từ cơ chế chính sách của ngân hàng hay lãi suất mà nguyên nhân chính đến từ cầu tín dụng trong nền kinh tế vẫn còn thấp. Các động lực tăng trưởng kinh tế như xuất khẩu, tiêu dùng, sản xuất công nghiệp, đầu tư tư nhân còn chậm, hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như vướng mắc về pháp lý, môi trường kinh doanh, chi phí logistics tăng lên do chiến tranh, trong khi thị trường đầu ra còn khó khăn.
Chưa kể, “sức khỏe” doanh nghiệp chưa thực sự phục hồi cũng được xem là trở ngại lớn đối với khả năng hấp thụ vốn tín dụng. Đơn cử, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 01/2024 tăng 2,2% so với tháng 12/2023 và tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động cũng tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái…
Để giải quyết thực trạng nêu trên, các chuyên gia cho rằng, muốn tăng trưởng tín dụng phải kích cầu tiêu dùng. Bởi, giải pháp này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngân hàng, mà còn góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Xoay quanh vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nhìn nhận, để chữa “bệnh” thừa tiền của các ngân hàng hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là phải giải quyết được đầu ra. Nói cách khác, kích cầu tiêu dùng nội địa được coi là giải pháp quan trọng để thúc đẩy tín dụng. Hiện nay, chính sách tiền tệ (giảm lãi suất) và chính sách tài khóa (giảm thuế, phí) đã phối hợp với nhau khá tốt nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước.
Cũng theo vị chuyên gia này, một trong những lý do khiến tín dụng tiêu dùng chưa thể tăng trưởng mạnh là do các công ty tài chính đang bế tắc trong thu hồi nợ. Do đó, cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng chính sách, cơ chế quản lý riêng, đặc thù đối với mảng tài chính tiêu dùng, tạo điều kiện cho công ty tài chính có môi trường hoạt động thông thoáng, an toàn và tuân thủ để có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Còn theo đại diện các ngân hàng, trong bối cảnh hiện nay, NHNN và Chính phủ cần có chiến lược kích cầu, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn, tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý cho các dự án, doanh nghiệp. Đồng thời, cần sớm gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ của khách hàng gặp khó khăn thêm 6-12 tháng nữa, để hỗ trợ khách hàng có khả năng hồi phục.
Được biết, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng năm 2024, NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dùng nhiều nhiệm vụ như: tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống, tiêu dùng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.
Đồng thời, triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ, chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long,…