Cơ cấu kinh tế Việt Nam đã và đang chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng xanh hoá, số hoá gắn với áp dụng thành tựu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững và chất lượng hơn.
Trao đổi với DĐDN, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh: Tư duy ứng dụng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn (KTTH), kinh tế xanh… đã được lồng ghép tích cực hơn trong chiến lược sản xuất kinh doanh và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Xu hướng này sẽ tạo động lực quan trọng để nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và có chất lượng hơn trong thời gian tới.
- CIEM là đơn vị đã có những nghiên cứu và thảo luận chính sách đầu tiên ở Việt Nam về KTTH, kinh tế xanh… Bà nhận định ra sao về mô hình kinh tế mới này trong vai trò là động lực tăng trưởng của nền kinh tế và doanh nghiệp?
Kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng đã và đang đối mặt với không ít vấn đề trong trung và dài hạn, trong đó có những khó khăn, thách thức về biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết cực đoan. Điều này đặt ra yêu cầu phải đẩy nhanh quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng đến phát triển bền vững và bao trùm. Các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, KTTH… đã và đang trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng bền vững và chất lượng. Với vai trò là cơ quan nghiên cứu, tham mưu hàng đầu cho Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CIEM đã chủ động nghiên cứu, tham mưu các đề xuất chính sách nhằm mở rộng không gian kinh tế mới, đồng thời cụ thể hóa các khái niệm, giải pháp để hiện thực hóa tư duy đột phá và lợi ích từ các mô hình mới ngay trong quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, CIEM đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư đề xuất Chính phủ về việc xây dựng Đề án phát triển KTTH ở Việt Nam ngay trong giai đoạn 2020-2021. Tại Quyết định 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án. Đề án nhấn mạnh hơn đến việc tạo động lực kinh tế cho doanh nghiệp và người lao động tham gia thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn, qua đó góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại; nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chủ động thích ứng, chống chịu trước những cú sốc từ bên ngoài… Tư duy phát triển kinh tế tuần hoàn cũng đặt trọng tâm vào tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Sau khi Đề án được ban hành, một số bộ ngành, địa phương đã triển khai xây dựng kế hoạch về phát triển KTTH hoặc lồng ghép nội dung này trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều doanh nghiệp đã công bố chiến lược xanh hóa, chuyển từ sản xuất tuyến tính sang KTTH, ứng dụng công nghệ tiên tiến hướng đến giảm phát thải, giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Điển hình như Vinfast tiên phong trở thành nhà sản xuất các sản phẩm xe điện thân thiện môi trường với nhiều nỗ lực cung cấp đa dạng sản phẩm dịch vụ như cho thuê ô tô, xe máy điện, hợp tác thúc đẩy chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe máy điện; mở rộng thị trường sang một số nước trên thế giới…
- Nhiều yếu tố của kinh tế xanh, tuần hoàn đã được hình thành. Tuy nhiên, vấn đề mới thường đi liền với khó khăn có thể khiến mô hình kinh tế này chưa được lan toả rộng rãi, thưa bà?
Dù đã có những tư duy, chính sách tích cực đối với phát triển KTTH, chúng ta vẫn cần nhìn nhận thẳng thắn một số hạn chế.
Thứ nhất, dự án kinh tế tuần hoàn có thể ở các quy mô khác nhau, gắn với nhiều hoạt động, phân ngành sản xuất- dịch vụ khác nhau, do đó cần phải điều chỉnh chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trên nhiều lĩnh vực (thuế, đất đai, tín dụng, khoa học công nghệ,…) để tạo thuận lợi cho các dự án này.
Thứ hai, yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển dịch sang KTTH là hiện hữu, nhưng chúng ta còn thiếu các tiêu chí đủ cụ thể về mô hình, dự án KTTH.
Thứ ba, việc áp dụng mô hình KTTH cần nguồn lực tài chính để đáp ứng những yêu cầu thay đổi liên quan đến tổ chức sản xuất, ứng dụng công nghệ, nâng cao ý thức và kỹ năng của người lao động… Với khoảng 98% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, nguồn lực hạn chế thì tiếp cận tài chính là một thách thức không nhỏ. Thứ tư, không phải người tiêu dùng nào cũng sẵn sàng chi trả cao hơn cho các sản phẩm, dịch vụ xanh.
- Thực hiện nhiệm vụ được giao, CIEM đang chủ trì xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển KTTH tại Việt Nam. Cơ chế này tạo cơ hội thế nào cho doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi sản xuất tuần hoàn cũng như nhân rộng mô hình này, thưa bà?
Đề án phát triển KTTH tại Việt Nam nhấn mạnh đến khía cạnh kinh tế bên cạnh các lợi ích về xã hội và môi trường. Do đó, phát triển KTTH đòi hỏi phải có các chính sách dài hạn nhằm khuyến khích, ưu đãi, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp sớm thử nghiệm các ý tưởng, sáng kiến KTTH, đóng góp vào quá trình chuyển đổi xanh, phục hồi xanh ở Việt Nam.
Do KTTH gắn với tư duy thiết kế mới, có ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo và liên quan đến nhiều mảng chính sách khác nhau, cách tiếp cận tuần tự, truyền thống nhằm hoàn thiện các nội dung chính sách liên quan là cần thiết nhưng đòi hỏi rất nhiều thời gian. Bối cảnh phục hồi kinh tế của đất nước cần có thêm động lực từ chính nỗ lực thúc đẩy “phục hồi xanh”.
Do đó, xây dựng cơ chế thử nghiệm nhằm tạo lập khung thử nghiệm chính sách để sớm phát triển KTTH ở một số ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng là yêu cầu quan trọng. Khi có cơ chế thử nghiệm, các cơ quan, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam có thể có động lực xây dựng, triển khai và nhận được lợi nhuận từ các sáng kiến phát triển KTTH. Từ thành công của một doanh nghiệp, một mô hình cụ thể, tác động lan tỏa sẽ rất tích cực, thậm chí gia tăng theo cấp số nhân. Lợi ích từ quá trình này cũng chính là thực tiễn để các cơ quan tham mưu hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm phát triển KTTH thực chất, hiệu quả và bền vững ở Việt Nam.
- Trân trọng cảm ơn bà!