LTS: Phát triển kinh tế xanh là một xu thế tất yếu, vừa đảm bảo mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế, vừa phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Tăng tốc xanh hóa nền kinh tế: Xanh hoá để bền vững và mạnh mẽ hơn

Chuyển hướng

Hơn 10 năm trước, rác thải sản xuất tạo gánh nặng rất lớn cho môi trường ở Việt Nam và gây thiệt hại về kinh tế. Riêng nguyên liệu nhựa, với 3 triệu tấn được tiêu thụ mỗi năm nhưng chỉ có 33% trong số đó được thu gom, tái chế; còn lại gần 70% giá trị của vật liệu nhựa, tương đương gần 3 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, hiện nay, dòng chảy trên của rác thải sản xuất đã được bẻ lái.

Thay vì bị thải loại lãng phí, với việc ứng dụng công nghệ hiện đại, nhiều doanh nghiệp đưa rác thải trở lại các nhà máy tái chế làm nguyên liệu sản xuất, vừa giảm nhu cầu sử dụng năng lượng hóa thạch vừa tối ưu lợi ích kinh tế, chi phí sản xuất. Sản xuất kinh doanh tuần hoàn và bền vững đã giúp doanh nghiệp tạo lập cực tăng trưởng mới, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh chuyển đổi xanh trở thành xu thế phát triển toàn cầu.

Những thực hành tốt từ việc tích hợp ESG vào chiến lược phát triển đang lan toả trong cộng đồng doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực sản xuất chủ đạo của nền kinh tế. Để duy trì kim ngạch xuất khẩu ở mức 44 tỷ USD trong năm 2024, ngành dệt may Việt Nam đã chuyển trọng tâm từ phát triển nhanh sang bền vững, kinh doanh tuần hoàn, sử dụng năng lượng tái tạo, chuyển đổi số. Tương tự như vậy, thông qua Đề án phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, ngành sản xuất lúa gạo trọng điểm đang chuyển hướng từ số lượng sang chất lượng, gia tăng giá trị xuất khẩu gắn với giảm phát thải, bảo vệ môi trường…

Khai mở tiềm năng

Phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, cộng đồng doanh nghiệp đã và đang góp phần thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng bền vững trung và dài hạn. Tại nhiều khu vực và quốc gia trên thế giới, mô hình kinh tế trên đã đem lại những giá trị to lớn. Chẳng hạn tại châu Âu, các hoạt động kinh tế tuần hoàn giúp GDP tăng 0,5 điểm % và tạo ra 700.000 việc làm mới. Tại Mỹ, kinh tế xanh đã tạo việc làm cho 9,5 triệu lao động, đóng góp trên 7% GDP (tương đương 1,3 nghìn tỷ USD/năm). Trong khi đó, tại các nước OECD, con số tương ứng là 17,5 triệu lao động và 12% GDP (tương đương 2,9 nghìn tỷ USD/năm).

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam được đánh giá là điểm đến tốt để phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn. Theo bà Trần Thuý Ngọc- Phó Tổng Giám đốc thường trực Deloitte Việt Nam, đến năm 2070 không làm kinh tế xanh, khu vực Đông Nam Á có thể mất khoảng 28.000 tỷ USD; song nếu thay đổi, nền kinh tế mới có thể đem lại khoảng 12.500 tỷ USD.

Thống kê từ Deloitte Việt Nam cũng cho thấy, thời gian gần đây, các nhà đầu tư hướng tới người tiêu dùng muốn xanh, sạch, tốt cho sức khỏe. Trong đó, đầu tư nhiều nhất ở các lĩnh vực kinh tế xanh, tuần hoàn chính là khu vực tài chính, sau đó là thương mại điện tử, các ngành liên quan tới công nghệ. Cũng theo nghiên cứu của Deloitte Việt Nam, tới năm 2025, xu thế tăng trưởng kinh tế, vận tải chiếm cao nhất 40% tạo cơ hội cho tăng trưởng của các ngành liên quan; tiếp đến là du lịch 37%, tài chính từ13 - 34%...

Với con số tăng trưởng này, trong 2 năm tới nếu không tham gia vào kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh… chúng ta có thể sẽ mất rất nhiều tiền bởi các nước lân cận đã làm và chiếm lĩnh thị trường. Tuy kinh tế tuần hoàn là vấn đề mới và khó nhưng nếu không nhanh chóng thực hiện cũng sẽ khó đạt được mục tiêu Net Zero vì trong phạm vi 3 yêu cầu toàn bộ chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp phải tham gia giảm thiểu phát thải khí nhà kính, qua đó thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tuần hoàn. 

Tăng tốc xanh hóa nền kinh tế: Xanh hoá để bền vững và mạnh mẽ hơn