Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương chia sẻ với DĐDN về những thuận lợi và thách thức với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024.
Nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2024, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga có một số vấn đề cần được phân tích kỹ lưỡng và thấu đáo.
Đó là, các cuộc chiến tranh và xung đột trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Thương mại toàn cầu chịu nhiều tác động từ các cuộc xung đột này. “Tất cả các vấn đề trên ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.
Về tình hình trong nước, các chuyên gia kinh tế nhận định kinh tế Việt Nam vẫn chưa thoát ra khỏi đáy suy thoái kinh tế. Năm 2025 kinh tế Việt Nam mới có thể phục hồi.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đánh giá kinh tế trong nước có một số thuận lợi, đó là chúng ta đã nắm bắt và dự báo được thực tế khó khăn từ sớm, từ xa để chủ động trong quá trình điều hành kinh tế.
“Đặc biệt, Chính phủ đã rất quyết liệt trong khâu chỉ đạo điều hành với quyết tâm cao. Mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2024 từ 6% đến 6,5% đã thể hiện quyết tâm này”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ.
Vẫn theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, năm 2024 sẽ là một năm “đặc biệt”, vì đây là năm cuối của nửa nhiệm kỳ. Muốn thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra cho cả nhiệm kỳ thì năm 2024 phải bứt tốc.
Đây là trọng trách lớn và cũng là bài toán “không dễ giải”, vì các khó khăn vẫn còn ở phía trước. Để vượt qua thách thức này, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, có một số giải pháp đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga tâm đắc.
Cụ thể, để hỗ trợ doanh nghiệp và ổn định cuộc sống người dân, Chính phủ đã quyết định giảm 2% VAT đối với các mặt hàng đang chịu 10% thuế VAT.
“Chính sách này được thực hiện trong 6 tháng năm 2024. Điều này có tác dụng làm hạ giá thành và ổn định giá thành sản phẩm, như vậy cuộc sống của người dân không bị xáo trộn”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.
Việc tiếp tục giảm 2% VAT sẽ kích cầu tiêu dùng, doanh nghiệp sẽ bán và sản xuất được nhiều đơn hàng, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ cao hơn. Điều quan trọng, khi doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi sẽ tạo ra được nhiều công ăn việc làm cho người lao động.
“Bởi, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn, đơn hàng sụt giảm số người lao động bị mất việc hoặc bị giảm giờ làm sẽ tăng lên. Từ đó gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ.
Về thể chế, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết năm 2024 có một số luật sửa đổi chính thức có hiệu lực, như Luật đất đai đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực vào 1/7/2024, Luật đấu giá tài sản, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…
Trong đó, Luật Đất đai đã nhận được nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp và người dân, do luật này còn có một số điểm nghẽn cho sự phát triển kinh tế-xã hội.
“Nếu chúng ta không tháo gỡ được thì điểm nghẽn vẫn là điểm nghẽn. Bằng việc sửa đổi và thông qua những nút thắt của các luật này, các bất cập sẽ được tháo gỡ, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã rất lớn trong năm 2024 và các năm tiếp theo”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.
Một giải pháp trọng tâm khác cũng rất được doanh nghiệp và người dân quan tâm trong năm 2024, đó là đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt tại các công trình trọng điểm.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bình luận, khi đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đối với các công trình trọng điểm thì sẽ tạo ra động lực cho nền kinh tế.
Người lao có việc làm, thúc đẩy tiêu thụ nguyên vật liệu, khi công trình hoàn thiện đưa vào sử dụng sẽ có thêm cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế-xã hội.
“Đây là những nhóm giải pháp đang được thực hiện một cách quyết liệt để năm 2024 có thể bứt phá như kỳ vọng”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.