Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) đánh giá, thị trường Việt Nam cho thấy những tín hiệu tích cực. Theo đó, sản lượng thép trong nước có mức hồi phục tích cực cả các sản phẩm thượng nguồn và hạ nguồn, ngay cả khi tính đến yếu tố mùa vụ. Trong khi đó, giá thép trong nước cũng đã tạo đáy theo đà của giá thép thế giới và để bù đắp lại chi phí đầu vào tăng cao.
Xuất khẩu tăng vọt trong thời gian qua đã đóng góp rất lớn vào mức tiêu thụ thép của Việt Nam. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 10 tháng đầu năm 2023, sản lượng xuất khẩu thép các loại đạt hơn 6,7 triệu tấn, tăng trưởng 26,1% so với cùng kỳ. Đáng chú ý có thị trường Ấn Độ tăng 16 lần về lượng và 7,8 lần về giá trị.
Đánh giá về triển vọng của ngành thép, Công ty Chứng khoán này kỳ vọng ngành thép sẽ phục hồi vào năm 2024, do năm 2024 sẽ là năm mà thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ hồi phục nhờ vào những tháo gỡ khó khăn về vấn đề pháp lý.
Đối với quặng sắt và than cốc, PHS cho rằng, nguồn cung sẽ không còn bị thắt chặt như thời gian vừa qua do vấn đề bảo trì và hoạt động tại các mỏ quặng lớn tại Brazil và Úc. Điều này cộng với việc các nhà máy bổ sung thêm tồn kho của mình và chính sách cắt giảm sản lượng thép của Trung Quốc sẽ khiến giá nguyên liệu đầu vào giảm dần, tạo ra ảnh hưởng tích cực lên biên lợi nhuận của các nhà máy thép BOF.
Sau chu kỳ thắt chặt lãi suất để chiến đấu với lạm phát, FED đã bắt đầu với các động thái bồ câu hơn. Thị trường kỳ vọng chu kỳ giảm lãi suất sẽ bắt đầu từ nửa cuối năm 2024 và sẽ hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế toàn cầu, kéo theo nhu cầu thép gia tăng.
Việt Nam đang là một trong những cứ điểm sản xuất toàn cầu trước làn sóng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc và được kỳ vọng sẽ đón nhận làn sóng đầu tư mới từ những nền kinh tế lớn. Các dự án bất động sản khu công nghiệp phát triển sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng sắt thép trong thời gian tới.
“Đầu tư công đã, đang và sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới trước những quyết tâm của chính phủ nhằm thu hút FDI và trợ lực cho nền kinh tế. Theo ước tính của chúng tôi, thép chiếm khoảng 30% trong tổng chi phí của các hoạt động đầu tư công”, PHS đánh giá.
Công ty Chứng khoán này cũng cho rằng, xu hướng cắt giảm sản lượng thép tại Trung Quốc sẽ mang lại cơ hội lớn cho ngành thép. Theo đó, Trung Quốc đã cam kết sẽ cắt giảm lượng phát thải carbon với lượng phát thải sẽ đạt đỉnh vào năm 2030 và cuối cùng sẽ đạt được điểm trung hòa carbon vào năm 2060. Một trong số các biện pháp là cắt giảm sản lượng thép.
Vào năm 2021, sản lượng thép đã giảm khoảng 3% từ mức 1.065 tỷ tấn và sau đó đã giảm 1,7% trong năm 2022. Chính phủ Trung Quốc cũng đã lên kế hoạch cắt giảm thêm 2,5% trong năm 2023.
“Theo chúng tôi ước tính, sản lượng thép của Trung Quốc có thể giảm 15-25 triệu tấn. Cần nhớ rằng xuất khẩu thép của Việt Nam năm 2022 đạt 8,4 triệu tấn (theo VSA). Điều này cho thấy, tiềm năng xuất khẩu rất lớn vào thị trường Trung Quốc để lấp đầy khoảng trống nhu cầu để lại”, PHS nhận định.
Đồng thời, đơn vị này cũng cho rằng, sản lượng bán hàng sản phẩm thép vừa hạ nguồn và thượng nguồn đều cho thấy sự hồi phục đáng kể. Bên cạnh đó, các biện pháp hỗ trợ Bất động sản của Trung Quốc trong thời gian vừa qua được kỳ vọng sẽ khiến nhu cầu thép trên thế giới tăng trưởng trong năm sau. Các nguyên vật liệu như quặng sắt, than cốc được dự báo sẽ vẫn nằm trong xu hướng giảm giá giúp cải thiện biên lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất thép bằng lò BOF.