Theo ông Đoàn Tiến Quyết, chuyên gia phân tích dữ liệu của VPI, giá xăng bán lẻ trong kỳ điều hành ngày 16/5/2024 có thể giảm 420 - 576 đồng, đưa giá xăng về mức 22.044 đồng/lít (E5 RON 92) và 23.120 đồng/lít (RON 95-III). Ngoại trừ dầu mazut, VPI dự báo giá dầu bán lẻ kỳ này tăng nhẹ 0,7 - 1,2%, đưa giá dầu lên mức 19.986 đồng/lít (diesel) và 19.933 đồng/lít (dầu hỏa). Trong khi đó, giá dầu mazut được dự báo giảm không đáng kể về mức 17.463 đồng/kg.
Viện Dầu khí Việt Nam dự báo Liên bộ Tài chính - Công Thương kỳ này sẽ không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Chuyên gia Đoàn Tiến Quyết lưu ý kỳ này giá sản phẩm tăng giảm trái chiều, giá xăng tiếp tục giảm thậm chí còn có thể giảm sâu hơn vào ngày cuối của kỳ điều hành. Trong khi đó, giá dầu hỏa và diesel lại có xu hướng tăng, dầu mazut có thể biến động rất nhẹ hoặc có thể giữ nguyên giá bán do chênh lệch không qua lớn.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), giá dầu thô Brent giao ngay đạt trung bình 90 USD/thùng trong tháng 4/2024, tăng 5 USD/thùng so với tháng 3/2024 và tăng tháng thứ tư liên tiếp. EIA đánh giá việc cắt giảm sản lượng tự nguyện của OPEC+ đang khiến tồn kho dầu toàn cầu giảm trung bình 0,3 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2024. Một số nhà sản xuất OPEC+ sẽ tiếp tục hạn chế sản xuất sau khi chính sách cắt giảm tự nguyện của OPEC+ hết hạn vào cuối tháng 6/2024.
EIA dự báo thị trường dầu thô toàn cầu sẽ tương đối cân bằng trong nửa cuối năm 2024, sẽ giữ giá dầu ở mức gần 90 USD/thùng trong thời gian còn lại của năm 2024. Trong năm 2025, EIA dự báo nguồn cung tăng trưởng mạnh hơn, khiến tồn kho dầu toàn cầu tăng thêm 0,4 triệu thùng/ngày và giá dầu giảm xuống mức trung bình 85 USD/thùng. Tuy nhiên, EIA cho rằng vẫn còn sự không chắc chắn đáng kể xoay quanh căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, khu vực có khả năng làm tăng biến động giá dầu trong thời gian tới.