Bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đã cho thấy những khó khăn rất nghiêm trọng trong thời gian vừa qua.
Các chuyên gia kinh tế, các tổ chức quốc tế đều chung nhận định về tình trạng suy giảm đáng kể của tổng cầu.
Theo Statista, chỉ số Quản trị người mua hàng (PMI) toàn cầu chỉ đạt 47,1 cho các đơn xuất khẩu mới và 48,8 cho công nghiệp chế biến, chế tạo, tức là đều dưới mức 50. Theo đó, triển vọng phục hồi nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Tạo điều kiện tối đa cho đầu tư, sản xuất
Trong bối cảnh kinh tế thế giới bất định hơn, và suy giảm nhu cầu ở các thị trường chủ chốt đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, các doanh nghiệp phải tìm kiếm đầu ra ở các thị trường xuất khẩu mới, cũng như từ thị trường trong nước. Sự chuyển hướng ấy sẽ chỉ phát huy hiệu quả cao nhất nếu đặt trong khung chính sách tổng thể về lưu tâm, cải thiện mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Chính ở đây, vai trò của các chính sách nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng, mở rộng không gian kinh tế cho khu vực tư nhân là rất quan trọng.
Cùng với những chuyển biến trong tư duy hội nhập, tiến trình hội nhập và cải cách thể chế kinh tế tại Việt Nam luôn gắn bó mật thiết với nhau. Sự gắn bó ấy chính là nhằm mở rộng cơ hội kinh tế cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời nâng cao năng lực cho doanh nghiệp và người dân để hiện thực hóa tất cả cơ hội kinh tế mới. Với tư duy ấy, cải cách thể chế kinh tế trong điều kiện chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế không đơn thuần là điều chỉnh quy định, pháp luật để thực hiện các cam kết hội nhập, mà phải gắn với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong nước để tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội chính là những nền tảng không thể thiếu, song chúng ta vẫn phải phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu đề ra, trong đó có thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có chất lượng, có tính bền vững. Nghị quyết số 97/2023 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương cũng nhấn mạnh yêu cầu “Tập trung hỗ trợ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng cả về phía cung và phía cầu, bao gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu”, và “Quán triệt nghiêm túc, triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”.
Giải pháp mở rộng không gian kinh tế
Một số đề xuất để tháo gỡ những khó khăn, mở rộng không gian kinh tế cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
Thứ nhất, cần nâng cao chất lượng tư vấn, nhận thức cho doanh nghiệp để chuyển đổi và thích ứng với tình hình mới. Thực tế, phần lớn các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp xuất khẩu, còn chưa hiểu biết đầy đủ trong việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định mới ở các thị trường xuất khẩu. Tăng cường đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm về các “điển hình tốt” với các doanh nghiệp sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Thứ hai, Chính phủ cần mở rộng không gian hơn nữa cho các mô hình kinh tế mới trên tinh thần sớm nhất có thể, bền vững nhất có thể. Việt Nam cần các quy định, chính sách cụ thể hơn đối với kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm… Chính ở đây, tư duy tích cực về cơ chế thử nghiệm phát triển các ngành này, đi kèm với tham vấn chặt chẽ cộng đồng doanh nghiệp, sẽ là yêu cầu quan trọng.
Thứ ba, tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế tăng cường huy động và sử dụng nguồn lực để tạo động lực cho người dân yên tâm bỏ vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng, lãi suất cho doanh nghiệp cần được thực hiện sớm, phát huy tác dụng sớm.
Thứ tư, phát động chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy nhiên, năng suất lao động cần được nhìn nhận theo nghĩa rộng, thay vì chỉ tập trung vào đào tạo kỹ năng cho người lao động. Chính ở đây, việc rà soát, tháo gỡ các quy định gây khó khăn, các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng, nếu không nói là then chốt, để doanh nghiệp yên tâm đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất-kinh doanh.