Đây là chia sẻ của TS. Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại “Diễn đàn phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp” sáng 19/7 do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức.
Thông tin tại Diễn đàn, TS. Trần Thị Hồng Minh cho biết, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đã cho thấy những khó khăn rất nghiêm trọng trong thời gian vừa qua. Các chuyên gia kinh tế, các tổ chức quốc tế đều chung nhận định về tình trạng suy giảm đáng kể của tổng cầu. Sau những hệ lụy của đại dịch COVID-19, diễn biến kinh tế thế giới trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, như xung đột Nga – Ukraina kéo dài; cạnh tranh địa chính trị giữa các nền kinh tế lớn; áp lực lạm phát và ưu tiên thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát cao ở nhiều quốc gia; xu hướng chuyển dịch sang phát triển bền vững kéo theo các quy định, tiêu chuẩn về môi trường, lao động ảnh hưởng đến nhập khẩu hàng hóa từ các nước đang phát triển; cùng với tác động nghiêm trọng và khó lường của biến đổi khí hậu,…
Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế… đều cập nhật dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 ở mức thấp, phổ biến ở mức 2-3%. Theo Statista, chỉ số Quản trị người mua hàng (PMI) toàn cầu chỉ đạt 47,1 cho các đơn xuất khẩu mới và 48,8 cho công nghiệp chế biến, chế tạo, tức là đều dưới mức 50. Theo đó, triển vọng phục hồi nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Theo bà Minh, ở trong nước, những năm gần đây, dư địa của mô hình tăng trưởng truyền thống – dựa chủ yếu trên mở rộng khai thác tài nguyên thiên nhiên và lao động phổ thông – đã suy giảm đáng kể. Bối cảnh này đã đặt ra rủi ro về “bẫy thu nhập trung bình” nếu đất nước ta không sớm tìm được những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Cộng hưởng với khó khăn từ suy giảm tổng cầu của thế giới, các cấu phần của tổng cầu trong nước như tiêu dùng cuối cùng, đầu tư công cũng đang gặp khó khăn không nhỏ.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm, tiêu dùng cuối cùng trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 2,68% so với cùng kỳ năm 2022; tích lũy tài sản tương ứng tăng 1,15%,…
Và trước thực tế đã nêu, để tháo gỡ những khó khăn, mở rộng không gian kinh tế cho doanh nghiệp trong thời gian tới, cải cách thể chế là điều tiên quyết, cần có những chính sách mang tính căn cơ, lâu dài.
“Đối với những khó khăn thì chúng ta là cần những giải pháp thể chế mang tính căn cơ, lâu dài để giải quyết. Chẳng hạn đối với những vấn đề khó khăn, khách quan của thế giới, chúng ta cần có một nền kinh tế tự chủ, độc lập, tư cường để dù có những biến động nào chúng ta cũng đều có thể chủ động kiểm soát…”, TS. Trần Thị Hồng Minh chia sẻ.
Cũng theo bà Minh, liên quan đến thể chế, nếu không có thể chế tốt, cơ chế vận hành thể chế tốt, thì khó có thể tồn tại một cách hiệu quả nền kinh tế thị trường. Và trong bối cảnh hiện nay, trước mắt chúng ta phải xử lý rất nhiều câu chuyện liên quan đến thể chế.
“Trước đó Quốc hội đã thông qua một luật sửa 8 luật, đây là một bước tiến rất lớn, tuy nhiên, khi nhìn nhận trên thực tế, hiện nay vẫn còn rất nhiều vấn đề về đất đai, môi trường, xây dựng còn sự chồng chéo, mâu thuẫn, gây cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, những sửa đổi trước đó dường như là chưa đủ, chúng ta sẽ cần tiếp tục công tác rà soát, sửa đổi thể chế để đưa ra những đề xuất sửa đổi, hoàn thiện tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn. Luật pháp là cái nôi, là khung khổ, xương sườn của nền kinh tế, của quốc gia, nếu có sự chồng chéo, mâu thuẫn, quá trình vận hành thì sẽ gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp…”, bà Minh bày tỏ.
Từ thực tế đã nêu, để giải quyết những vướng mắc, bất cập mà chính sách đem lại, bà Minh cho rằng, các Hiệp hội doanh nghiệp, VCCI cần tham gia sâu hơn nữa trong việc xây dựng chính sách, cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật,… nếu xử lý được câu chuyện vướng mắc, bất cập của chính sách hiện nay, sẽ là hành lang pháp lý ổn định để doanh nghiệp, nền kinh tế phát triển.