KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN MỚI CHO DOANH NGHIỆP: Cần nâng cao tiếng nói của các Hiệp hội doanh nghiệp

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp phát biểu tại Hội nghị

 

Phát biểu tại “Diễn đàn Phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, cho biết, hiện nay, Việt Nam đang chịu ảnh hưởng không chỉ những khó khăn từ nội tại mà còn có những khó khăn chung của toàn thế giới. Các nền kinh tế lớn trên thế giới đang có xu hướng chững lại, thậm chí là suy thoái. 

Xuất phát từ những khó khăn từ thực tiễn, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã tập trung vào việc phục hồi nền kinh tế, đặc biệt là cho các doanh nghiệp với mục tiêu thúc đẩy hơn nữa công ăn việc làm và các yếu tố khác.

Vừa rồi rất nhiều chính sách về tài khóa và tín dụng đã được ban hành. Tuy nhiên, theo ông Long, vẫn còn hai vấn đề quan trọng cần được lưu ý là thứ nhất, bản thân các cơ chế chính sách đã phù hợp với thời điểm nhưng có thể chưa thực tế đối với một số ngành nghề, đối tượng. Thứ hai, nội tại của các doanh nghiệp được thụ hưởng tiếp cận thế nào và hấp thụ. Năm 2023 Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc với các doanh nghiệp tư nhân, FDI, nhà nước… Gần đây nhất, ngày 6/7, Thường trực Chính phủ đã có cuộc làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tại cuộc họp này, Thủ tướng đã có 7 kiến nghị giao cho các Bộ, ngành xử lý.  

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 58 ngày 21/4/2023 về một số chính sách giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Tại Nghị quyết này, Chính phủ đã quy định rất rõ chiến lược giải quyết các vấn đề cấp bách trong ngắn hạn trong năm 2023, cũng như chiến lược cho năm 2025. 

Theo đó, quan điểm của Chính phủ là tiếp tục đồng hành hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, coi việc tháo gỡ các rào cản khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu; đảm bảo bình ổn, nhất quán, rõ ràng, minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, hỗ trợ doanh nghiệp có trọng tâm trọng điểm.

Cụ thể, ông Long đã nêu ra một số điểm được chú trọng như trong ngắn hạn, trước hết phải khẩn trương tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý, khơi thông nguồn lực, và các thủ tục đầu tư, triển khai dự án đầu tư công. Hiện nay, các dự án đầu tư công qua 6 tháng đầu năm vẫn đang chậm hơn so với tiến độ. 

KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN MỚI CHO DOANH NGHIỆP: Cần nâng cao tiếng nói của các Hiệp hội doanh nghiệp

 

Toàn cảnh Diễn đàn phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp

 

Bên cạnh đó, một số quy định cũng đã được đưa ra trong Nghị quyết 58 đã chỉ rõ nhiệm vụ cụ thể của từng Bộ, ngành như giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tạo cơ hội ổn định việc làm cho người lao động. 

Ngoài ra ông Long cho rằng, có một số biện pháp khác đã được đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại như tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục đầu tư kinh doanh; hỗ trợ tái cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Có thể thấy, Chính phủ đã đặt việc hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn lên trọng tâm hàng đầu, các chính sách ban hành ra phải thông thoáng, rõ ràng… Tuy nhiên, theo ông Long, để thực hiện được việc này phụ thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. trong quá trình vận hành cơ chế chính sách, bản thân các doanh nghiệp cũng cần có các kiến nghị trực tiếp về các vấn đề cần tháo gỡ trong thực tế. 

Ông Long nhấn mạnh: “Tất cả những cơ chế chính sách cần phải xuất phát từ tiếng nói của doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp. Tiếng nói từ hiệp hội doanh nghiệp là tiếng nói cụ thể nhất, thực tế nhất để Chính phủ lắng nghe và thực hiện đổi mới về cơ chế chính sách”.

“Chính phủ luôn coi nhiệm vụ hàng đầu là phục hồi cho các doanh nghiệp, cũng như đồng hành cùng doanh nghiệp”, ông Long cho biết, đồng thời đề nghị, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao tiếng nói về các cơ chế chính sách đối với doanh nghiệp của mình, tiếp tục kiến nghị về các vấn đề cần tháo gỡ và hoạt động đổi mới chính sách.