Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhấn mạnh tại cuộc Tọa đàm “Tiết kiệm điện – Từ chính sách đến cuộc sống” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, chiều 15/5.
Theo ông Võ Quang Lâm, 4 tháng đầu năm 2024 điện thương phẩm tăng xấp xỉ khoảng 3 lần so với 2023. Đây cũng là tỉ lệ tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây.
Nhìn lại từng thành phần điện đã sử dụng, trong 14,12%, điện cho công nghiệp tăng 10,91%, điện cho thương mại-dịch vụ tăng 18,95% , điện cho sinh hoạt tăng 18,54%, cao gấp 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng của cả nước trong thời gian vừa qua.
Nhìn kỹ hơn vào từng khu vực, riêng tại Hà Nội điện cho thương mại, dịch vụ tăng trưởng 33,26%, điện cho sinh hoạt khu vực Hà Nội tăng 29,27%, tăng xấp xỉ hơn 30% với 2 thành phần thương mại và dịch vụ. Còn tại miền Bắc, tiếp tục duy trì tăng trưởng điện thương phẩm cho sản xuất công nghiệp (tăng trưởng 13,02% - là mức rất cao trong 4 tháng vừa qua).
Trong tháng 4/2024, hệ thống điện đã lập những kỷ lục mới, cao hơn rất nhiều so với công suất và sản lượng trong quá khứ. Vào 13h30 ngày 27/4/2024, công suất đỉnh của hệ thống điện quốc gia đã đạt 47.670 MW, tăng trưởng 13,2% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn công suất cực đại năm 2023 là 1.929 MW, con số kỷ lục trong toàn bộ quá trình 70 năm của ngành điện lực Việt Nam.
Về sản lượng, ngày 26/4/2024, sản lượng điện toàn quốc đạt 994 triệu kWh, tăng 14,3% so với 2023 và tăng 7,6% so với ngày cao nhất của 2023. Tính theo giá trị tuyệt đối thì số lượng này tăng 70 triệu kWh trong 1 ngày của ngày 26/4.
Tuy nhiên, ông Võ Quang Lâm nhấn mạnh những kỷ lục này đều xảy ra vào những ngày nghỉ lễ. Đó là thời kỳ bắt đầu mùa nắng nóng ở miền Bắc và cũng là mùa nắng nóng ở miền Trung. Chúng tôi dự báo trong năm 2024, vào những tháng sắp tới, hệ thống điện của chúng ta có thể có những kỷ lục mới về công suất, sản lượng.
"Đây là những thách thức rất lớn mà EVN và các đơn vị thành viên cũng như các đơn vị khác trong hệ thống điện của chúng ta phải cố gắng nỗ lực để bảo đảm điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong những tháng cao điểm nắng nóng sắp tới", ông Võ Quang Lâm bày tỏ.
Vẫn theo ông Võ Quang Lâm, về tiết kiệm điện Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ sử dụng năng lượng chưa hiệu quả bằng một số nước khác. Ví dụ, so sánh theo hệ số quy đổi, để có 1.000 USD chúng ta cần 376 tấn dầu quy đổi, trong khi trung bình trên thế giới chỉ vào khoảng 170 tấn dầu quy đổi, với các nước trong OECD thì con số này khoảng 104 tấn dầu quy đổi, với Singapore là 99 tấn dầu quy đổi, Nhật Bản là 90 tấn dầu quy đổi.
“Như vậy, để có 1.000 USD chúng ta đang tiêu thụ năng lượng gấp khoảng 2-3 lần các quốc gia khác. Đây là thách thức rất lớn để chúng ta phải làm tốt hơn công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả”, ông Võ Quang Lâm nhấn mạnh.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) chia sẻ vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhất là tiết kiệm điện, đã được Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện thành công tác thường xuyên trong giai đoạn vừa qua.
Cụ thể, trong năm 2023 Bộ Công Thương đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 – 2025 ngày 8/6/2023 về tăng cường tiết kiệm điện trong giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo.
Ngoài ra, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan đầu mối của Chính phủ thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cũng đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như các địa phương trên cả nước thực hiện có hiệu quả và mạnh mẽ các giải pháp thúc đẩy sử dụng điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Đối với năm 2024, nhận định đây là năm chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn do tình hình El Nino còn diễn ra phức tạp cũng như nhu cầu về sử dụng điện được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh do đà phục hồi kinh tế và phục hồi sản xuất, nhất là các ngành hàng chế biến xuất khẩu trong năm nay.
“Từ cuối năm 2023, lãnh đạo Bộ Công Thương đã ban hành những văn bản chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản cũng như 63 UBND tỉnh, thành phố trên toàn quốc thực hiện nghiêm và mạnh mẽ các giải pháp về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng theo Chỉ thị số 20”, ông Trịnh Quốc Vũ nói.
Trong đầu năm 2024, ngày 1/3, lãnh đạo Bộ Công Thương tiếp tục ban hành văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị 20/2023 và Kế hoạch thực hiện năm 2024.
Cùng với đó, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đã phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên ngành về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng trong năm 2024 và giao cho cơ quan đầu mối là Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững triển khai thực hiện từ rất sớm.
“Ngay trong quý I và cố gắng sẽ hoàn thành vào quý II, đầu quý III năm nay để bảo đảm việc hướng dẫn, giám sát cũng như xử lý các vấn đề tồn đọng về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, kịp thời tổ chức thực hiện cũng như hướng dẫn các địa phương, các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp trọng điểm, cơ sở sử dụng năng lượng, sử dụng điện trọng điểm, thực hiện có hiệu quả các giải pháp tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng”, ông Trịnh Quốc Vũ nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế, TS. Trần Đình Thiên bình luận ý kiến đại diện Bộ Công Thương với tư cách là một bộ chủ lực của Chính phủ trong việc thực hiện Chỉ thị số 20 đã cho thấy nhận thức, hành động quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
TS.Trần Đình Thiên nhận thấy có một số đặc điểm nổi bật trong Chỉ thị này. Thứ nhất, Chỉ thị không chỉ phát động phong trào thi đua mà còn như một chương trình hành động quốc gia. Đó là điều khác biệt bởi nếu là phong trào thì nhiều khi chỉ mang tính cổ động, khuyến khích.
Trong Chỉ thị, chúng ta thấy có 2 cách tiếp cận, vừa là một chương trình hành động quyết liệt nhưng cũng có sự khuyến khích, phát động phong trào. Chỉ thị đã đặt rõ các mục tiêu như, như trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ, giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025…
“Đây là cách tiếp cận mục tiêu rất rõ ràng buộc ta phải có cam kết thực sự, cam kết chính trị, tức là phải hành động”, TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Theo tôi, điều đầu tiên để sử dụng điện hiệu quả là sản lượng phải đủ, nếu thiếu điện thì không thể nào hiệu quả được. Không phải vì thiếu mà chúng ta mới cần tiết kiệm, mà điều quan trọng là nguồn cung về điện phải ổn. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực hơn. Vừa rồi, chúng ta tăng sản lượng điện, đây là một trong những cách tiếp cận quan trọng bậc nhất để tăng hiệu quả sử dụng điện.
Thứ hai, vấn đề điện năng lượng tái tạo đang được triển khai rất tích cực trong những năm vừa qua, nhưng vẫn có một số vướng mắc. Tuy nhiên, cách đặt vấn đề của Chính phủ, trực tiếp là EVN rất tích cực để đương đầu với những câu chuyện đó. Tới đây, chúng ta sẽ phải làm nhiều việc khác như phân phối nguồn điện.
“Nhưng phần gắn với khía cạnh phong trào phải bàn sâu hơn, Chính phủ phải chủ động để làm sao ý thức tiết kiệm điện như nét văn hóa. Cần nâng cao ý thức, giáo dục công dân coi điện là tài nguyên quý giá của con người. Thời gian qua, truyền thông đã làm mạnh, Chính phủ đã chỉ đạo, tới đây sẽ phải làm tốt hơn nữa”, TS. Trần Đình Thiên chia sẻ.