Bộ Công Thương đang lấy ý kiến công khai đối với Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Nghị định này quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt trên mái các công trình xây dựng nhằm mục đích tự sản, tự tiêu, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.
Theo đó, Bộ Công Thương đưa ra hàng loạt cơ chế, chính sách trong đó nhấn mạnh đến đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không đấu nối vào hệ thống điện quốc gia là loại hình ưu tiên phát triển không giới hạn.
Về nguyên tắc phát triển loại hình điện này, Bộ Công Thương nhấn mạnh, phải phù hợp với kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh.
Bộ Công Thương khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân chủ động phát triển nguồn năng lượng sạch, thân thiện môi trường để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên quốc gia.
Về các hành vi trái quy định, hành vi cấm, dự thảo của Bộ Công Thương lấy ý kiến dư luận cho rằng, hành vi trái quy định phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu là hành vi đầu tư lắp đặt, vận hành công suất vượt quá công suất đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đối với điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia.
Bên cạnh đó, việc lợi dụng quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để kinh doanh hoặc bán điện cho các tổ chức, cá nhân khác cũng là hành vi trái quy định về đầu tư phát triển loại điện năng này.
Về định hướng phát triển, Bộ Công Thương khẳng định, các cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền phát hoặc không phát sản lượng điện dư (nếu có) của điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu vào hệ thống điện quốc gia.
“Trường hợp tổ chức, cá nhân lựa chọn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện thì đơn vị điện lực ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng và không được thanh toán”, Bộ Công Thương nêu yêu cầu.
Theo Bộ Công Thương, điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có công suất đặt từ 500 kWp trở lên phải có hệ thống điều khiển từ xa và kết nối với đơn vị điều độ khu vực.
Về giấy phép, Bộ Công Thương đề xuất phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu sẽ được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực. Bên cạnh đó, công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật.
Về quy trình đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, tại dự thảo, Bộ Công Thương khẳng định khi cá nhân, tổ chức đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Sở Công Thương tiếp nhận Hồ sơ đăng ký, chuyển Hồ sơ đến đơn vị điện lực, các sở ngành có liên quan (Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh) xem xét, giải quyết và trả kết quả trong thời hạn tối đa 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, chưa đầy đủ Sở Công Thương trả lời tổ chức, cá nhân trong thời hạn tối đa 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ.
Bình luận về đề xuất điện mặt trời mái nhà bán cho EVN giá 0 đồng, TS. Ngô Tuấn Kiệt, Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng cho rằng về lâu dài nếu không mua ĐMTMN hoặc mua với giá 0 đồng thì nguy cơ thiếu điện, nhất là vào cao điểm nắng nóng ở miền Bắc sẽ tiếp tục hiện hữu vì doanh nghiệp, người dân không đầu tư, không phát triển nguồn cung.
“Do đó, cần phải tính giá ĐMTMN với giá phù hợp. Nếu không bán được ĐMTMN thì người lắp đặt cũng không tội gì phải tích trữ, bởi giá tích trữ sẽ đắt hơn giá điện mua của EVN", ông Kiệt nói.
Vẫn theo TS. Ngô Tuấn Kiệt, hiện một số quốc gia đã có chính sách mua bán ĐMTMN dư thừa từ người dân như Đức, Mỹ, Australia. Mức giá và điều kiện thực hiện có thể khác nhau theo từng công ty bán lẻ điện, giúp giảm thời gian hoàn vốn của nhà đầu tư.