Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kiều hối đạt 43%
Phát biểu tại Tọa đàm "Nắn dòng kiều hối vào hạ tầng", bà Vũ Thị Huỳnh Mai - Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM cho biết, Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài với vai trò tham mưu về đề án chính sách kiều hối sẽ tiếp cận theo 2 khía cạnh. Thứ nhất, việc duy trì và thúc đẩy nguồn lực kiều hối chuyển về tốt hơn nữa. Thứ hai là định hướng nhu cầu dòng tiền kiều hối chuyển về TP.HCM.
Theo bà Mai, TP.HCM hiện nay có liên hệ với khoảng 50% người Việt Nam ở nước ngoài, trên tổng số 5,8 triệu người Việt ở nước ngoài, đang sinh sống ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, có hơn 80% kiều bào ở các nước công nghiệp phát triển, các trung tâm kinh tế, khoa học và công nghiệp, giáo dục đào tạo của thế giới.
"Hiện nay, TP.HCM được xem là một trung tâm thu hút kiều hối, hàng năm chiếm khoảng từ 38 - 53% tổng mức kiều hối của cả nước. Đặc biệt, đây cũng là dòng tiền đơn phương theo hướng một chiều chuyển về Việt Nam. Mức tăng trung bình hàng năm khoảng từ 3-7%. Riêng năm 2023, tốc độ tăng trưởng kiều hối đạt 43%. Đây là mức tăng khá ấn tượng”, bà Mai đánh giá.
Bà Vũ Thị Huỳnh Mai cũng cho rằng, do nhìn nhận tầm quan trọng của kiều hối đối với phát triển kinh tế - xã hội, nên TP.HCM đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài, người lao động ở nước ngoài chuyển tiền về nước. Cụ thể như: không đánh thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ chuyển về từ kiều bào, chính sách cho phép người nhận giữ ngoại tệ hay gửi ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng...
Thông tin thêm về Đề án “Chính sách kiều hối trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023 2030", bà Mai cho biết, Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đang chủ trì tham mưu xây dựng, hoàn thiện. Một trong những mục tiêu chính của đề án là nắn dòng kiều hối vào hạ tầng, vào sản xuất, kinh doanh... nhằm tạo công ăn việc làm và tạo sản phẩm cho xã hội. Cụ thể, khi đề án được triển khai, sẽ có ít nhất 5 dự án phát triển kinh tế - xã hội tại TP.HCM có sự đóng góp từ nguồn lực kiều hối.
“Một trong những sản phẩm chính của đề án là trái phiếu kiều hối. Bên cạnh đó là 8 nhóm giải pháp để thực hiện chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiểu hối như: tăng cường thông tin tuyên truyền, hỗ trợ nâng cao tay nghề của người lao động khi ra nước ngoài làm việc...", bà Vũ Thị Huỳnh Mai thông tin thêm.
02 kênh huy động kiều hối
Trao đổi tại tọa đàm, TS. Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 cho rằng, không chỉ hạ tầng giao thông mới là vấn đề bức xúc nhất của TP.HCM, mà hạ tầng xã hội cũng rất bức xúc. Do đó, Nghị quyết 98 cho phép TP.HCM thu hút đầu tư theo hình thức PPP chính là để giải quyết bức xúc này.
Theo TS. Trần Du Lịch, Thành phố đề xuất Nghị quyết 98 hướng đến việc tạo cơ chế để TP.HCM có thể huy động được nguồn lực tài chính để phát triển kinh tế - xã hội, mà không “xin” Trung ương tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách.
Theo đó, Nghị quyết 98 quy định 4 nguồn lực cho TP.HCM: Thứ nhất là tăng vay, từ 70 lên 120%, trong đó, có trái phiếu, nhưng riêng trái phiếu quốc tế thì phải xin cơ chế, TP.HCM chưa làm được ngay; trái phiếu trong nước thì làm được ngay, Thứ hai là hướng tới huy động quỹ đất đô thị theo hướng giao thông công cộng (TOD). Hiện TPHCM đang triển khai được một số dự án. Thứ ba là TP.HCM sử dụng hiệu quả nhà cửa, đất đai công sản dôi dư, đây là nguồn lực rất lớn; Thứ tư là cho TP.HCM cho một số loại thuế, phí đặc thù để tăng thu.
Với dòng kiều hối, TS. Trần Du Lịch cho rằng, có 2 kênh huy động: Kênh thứ nhất là trái phiếu công trình và trái phiếu dự án. Ông cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam “méo mó” vì không phát triển các quỹ đầu tư để người dân bỏ tiền vào, mà nhà nhà, người người đi kinh doanh bất động sản.
Từ đó, dẫn đến câu chuyện phát triển hạ tầng, không thể lấy kiều hối từng gia đình, mà phải có định chế để đưa tiền vào. Ông dẫn chứng, như metro, có thể chọn 1 dự án để phát hành trái phiếu dự án đó, để người Việt, kiều bào có thể mua được trái phiếu dự án đó.
Kênh thứ hai là phát hành trái phiếu đô thị. Loại trái phiếu này được bảo đảm bằng ngân sách Thành phố, cũng rất an toàn, giống như trái phiếu Chính phủ. Nếu ngân hàng Nhà nước cho phép loại trái phiếu này được lưu chuyển, giao dịch trên thị trường như trái phiếu Chính phủ thì người dân sẽ lựa chọn. Đây là một kênh cho kiều hối chảy vào.
Ngoài ra, TS.Trần Du Lịch, cũng cho rằng, với các dự án lớn thì Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) với chức năng công ty đầu tư tài chính Nhà nước có thể lập Quỹ đầu tư cho từng dự án với nhiều nguồn huy động, trong đó, có nguồn kiều hối.
“Điều đầu tiên mà nhà đầu tư kiều hối cần đảm bảo là phải an toàn cho người đầu tư, tiếp đến mới là tỷ lệ sinh lời. Tiếp đó, là tạo được thanh khoản có thể giao dịch, chuyển nhượng. Không thể huy động kiều hối một cách đơn lẻ mà phải qua các định chế, với vai trò khởi xướng của nhà nước, đảm bảo an toàn để thu hút kiều hối”, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh.