Nội dung trên được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường nêu tại Tọa đàm “Nắn dòng kiều hối vào hạ tầng”, do báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức.
Năm 2023, kiều hối về TP.HCM gấn 3 lần FDI
Phát biểu tại Toạ đàm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết, TP.HCM là một siêu đô thị với trên 10 triệu dân, nên nhu cầu về hạ tầng như hạ tầng giao thông, đến trường học, bệnh viện, nhà ở, công viên... là rất lớn và không ngừng tăng lên.
Theo ông Cường, để thực hiện được bài toán này, đòi hỏi phải huy động được nguồn lực tổng hợp đủ lớn. Việc này không hề dễ dàng, cũng là niềm trăn trở rất lớn không chỉ của lãnh đạo Thành phố, mà cả Trung ương. Bởi TP.HCM luôn vì cả nước, cùng cả nước, muốn Thành phố phát triển để đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển chung của cả nước thì cần sự đầu tư tương xứng.
“Trong các nguồn lực phát triển, Thành phố luôn xác định ngân sách là nguồn lực đầu tiên, mang tính dẫn dắt, là dòng vốn mỗi để từ đó thu hút nguồn lực đầu tư từ xã hội. Giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách Trung ương giao cho TP.HCM hơn 33.000 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Thành phố là 142.500 tỷ đồng. Trong đó, năm 2024, TP.HCM được giao vốn đầu tư công 79.000 tỷ đồng", ông Bùi Xuân Cường thông tin.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, con số này xét về nhiệm vụ giải ngân là rất lớn, kỷ lục trong công tác đầu tư công, nhưng nếu so với nhu cầu đầu tư thực tế thì cũng chưa đáp ứng hết được. Đơn cử, theo Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn giai đoạn 2020-2030, Thành phố đã tính toán cần kinh phí khoảng 970.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án. Trong đó, vốn ngân sách khoảng 400.000 tỷ đồng, các nguồn vốn khác như ODA, PPP là hơn 570.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 2022-2025, tổng kinh phí cho dự án đầu tư trọng điểm phát triển cơ sở hạ tầng tại TP.HCM dự kiến là 243.000 tỷ đồng; trong đó, dự án đầu tư xây dựng metro ước 103.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 43%. Trong khi đó, ngân sách được phê duyệt hàng năm cho các dự án hạ tầng nội đô chỉ khoảng 30.000 tỷ đồng.
"Nhìn thẳng vào thực tế như vậy để thấy rằng nguồn lực phát triển là bài toán rất lớn cho Thành phố. Do đó, Thành phố đã tích cực đề xuất và được Quốc hội thông qua Nghị quyết 98, từ đó mở ra cho TP.HCM nhiều cơ chế vượt trội nhằm huy động được nhiều nguồn lực hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Đó là cơ chế về quản lý đầu tư, về tài chính ngân sách, thu hút nhà đầu tư chiến lược, thu hút đầu tư trong lĩnh vực đối tác công tư... Đặc biệt trong đó có việc thí điểm phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), các tuyến metro sẽ là hạt nhân trong mô hình này”, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đánh giá.
Cũng theo ông Bùi Xuân Cường, bên cạnh tất cả các nguồn lực này, Thành phố nhận thấy một nguồn lực rất lớn, rất ý nghĩa những năm qua luôn đổ về Thành phố một cách bền bỉ, đó là kiều hối. Các thống kê chính thức cho thấy lượng kiều hối về Thành phố cao hơn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, như năm 2023 là 9,46 tỷ USD, gấp gần 3 lần vốn FDI.
Ông cũng cho biết, trong quá trình gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo Thành phố, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài luôn bày tỏ mong muốn được đầu tư nhiều hơn nữa cho quê hương, đặc biệt là cho TP.HCM.
Cần huy động từ nguồn lực từ xã hội
Bảo cáo tại Tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Huỳnh Thanh Khiết cho biết, Sở đang phụ trách các chương trình về nhà ở xã hội; cải tạo chung cư, di dời nhà ở trên và ven kênh rạch, hạ tầng đô thị.
Ông cho biết, Chương trình nhà ở xã hội (NOXH) được Thành phố thông qua giai đoạn 2021-2025 xây dựng 35.000 căn. Giai đoạn 2026-2030 khoảng 58.000 căn. Bên cạnh đó, giai đoạn 2021-2025, Trung ương giao TP.HCM chỉ tiêu xây dựng 26.000 căn, nằm trong chương trình xây dựng 1 triệu căn NOXH. Ngoài ra, hiện TP.HCM đang triển khai 7 dự án NOXH, khi hoàn thành vào năm 2025 sẽ có hơn 12.000 căn.
Theo ông Khiết, tổng kinh phí cho giai đoạn 2021-2025 cần 37.700 tỷ đồng cho 35.000 căn. Giai đoạn 2026-2030 cần 86.400 tỷ đồng cho 58.000 căn. Tuy nhiên, ngân sách TP.HCM chỉ bố trí được khoảng 10%. Số còn lại bắt buộc phải huy động từ nguồn lực xã hội.
Về chương trình xây dựng và cải tạo chung cư cũ, ông Khiết cho biết, hiện TP.HCM có 474 chung cư được xây dựng trước năm 1975, trong đó, 16 chung cư cấp D (không còn khả năng sử dụng, buộc phải tháo dỡ). Hiện mới di dời 6 chung cư hoàn toàn. Với các chung cư cấp B, cấp C, thì mới chỉ sửa chữa, nâng cấp được khoảng 50%, còn lại chưa có kinh phí thực hiện.
“Với 474 chung cư, riêng kiểm định, sửa chữa cần khoảng 300 tỷ đồng đến năm 2025, còn đến năm 2030 là 500 tỷ đồng. Còn xây dựng mới thì kinh phí tùy dự án, có thể trên 1.000 tỷ đồng/dự án", ông Huỳnh Thanh Khiết thông tin.
Cũng theo ông Huỳnh Thanh Khiết, TP.HCM đã đề nghị kêu gọi đầu tư PPP với hệ thống thu gom và xử lý nước thải, ưu tiên ở 7 khu vực. Việc quy hoạch, xác định vị trí, quy mô dự án, Thành phố đã xây dựng danh mục rất cụ thể, vấn đề còn lại là làm sao có kinh phí bố trí để thực hiện.
"Về mặt pháp luật, thể chế pháp lý đã dần được khắc phục. Còn về mặt thu hút vốn đầu tư, hiện nay hầu như ngân sách phải tính toán và đáp ứng là chủ yếu. Còn việc kêu gọi PPP hay đầu tư tư nhân rất khó khăn, trong khi, ngân sách TP.HCM thực sự chưa kham nổi", Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Huỳnh Thanh Khiết chia sẻ.