GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh tại Hội thảo khoa học quốc gia: Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024 “Thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới”, đồng thời công bố ấn phẩm “Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023”, ngày 17/4.
Nhìn lại kinh tế Việt Nam năm 2023, GS.TS Phạm Hồng Chương đánh giá, năm 2023 là một trong những năm khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm gần đây, khi phải đối mặt với nhiều rủi ro và bất ổn từ bối cảnh quốc tế như tăng trưởng toàn cầu suy yếu, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, CSTT thắt chặt ở nhiều nước và căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Năm 2023 nhiều rủi ro và bất ổn
“Tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 vẫn còn kém hơn nhiều so với giai đoạn trước Covid-19. Trong đó, nổi bật nhất là sự suy yếu của tổng cầu và các thành tố quan trọng của tổng cầu như tiêu dùng và đầu tư, cùng với chất lượng tăng trưởng không được cải thiện”, GS.TS Phạm Hồng Chương nói.
Theo GS.TS Phạm Hồng Chương, tổng cầu đóng vai trò quan trọng trong xác định mức độ hoạt động kinh tế và việc làm trong nền kinh tế. Tổng cầu giảm cho thấy nền kinh tế có nguy cơ suy thoái, điều này ảnh hưởng đến đến mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, gây ra các hậu quả như sản xuất công nghiệp sụt giảm, thất nghiệp tăng cao, giảm thu nhập và chi tiêu của người dân…
“Vì vậy, phục hồi tổng cầu là một nhiệm vụ quan trọng đối với Việt Nam, điều này đòi hỏi Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để củng cố các động lực tăng trưởng từ phía tổng cầu, từ đó phục hồi tổng cầu, tạo tiền đề phát triển kinh tế trong bối cảnh mới”, GS.TS Phạm Hồng Chương bày tỏ.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương cho biết năm 2023 kinh tế thế giới gặp nhiều bất ổn như lạm phát toàn cầu ở mức cao, các ngân hàng Trung ương (NHTW) tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ (CSTT) thắt chặt, nhiều nền kinh tế lớn đã tăng trưởng chậm lại và các yếu tố chính trị như chiến sự Nga-Ukraine vẫn đang còn diễn biến rất phức tạp, trong khi xung đột Israel-Hamas ngày càng căng thẳng.
Trong tình hình đó, kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức. Đơn cử, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 tăng 5,05% so với năm 2022, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,87% và 2,56% của năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023.
Năm 2023, khu vực công nghiệp và xây dựng chưa cho thấy những tín hiệu phục hồi tích cực, chỉ tăng 3,74% so với năm trước (thấp so với mức tăng trưởng trung bình các năm 2015-2019 là 8,6%).
Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo (CBCT) tăng 3,62% so với năm trước và cũng là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023. Tồn kho toàn ngành công nghiệp CBCT tăng 19,8% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 13,9%).
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong năm 2023 theo giá hiện hành chỉ tăng 6,2% so với năm trước (năm 2022 tăng 11,2%). Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023 chỉ đạt 85,3% kế hoạch năm, và tăng 21,2% so với năm trước.
Vốn thực hiện từ khu vực ngoài Nhà nước chỉ tăng 2,7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,9% trong năm 2022. Tương tự, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam năm 2023 chỉ tăng 5,4% (năm 2022 tăng 13,9%).
Trong khi đó, động lực chi tiêu cũng có xu hướng suy giảm. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 9,6% so với năm trước (năm 2022 tăng 20%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,1% (năm 2022 tăng 15,8%).
Thu nhập của người dân giảm sút dẫn đến cầu tiêu dùng hàng hóa giảm. Số liệu của năm 2023 cho thấy tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng 3,52% so với năm trước (năm 2022 tăng 7,09%).
Về dịch vụ du lịch, mặc dù đã có nỗ lực trong việc thu hút khách quốc tế quay trở lại Việt Nam, trong năm 2023, lượt khách quốc tế ước đạt 12,6 triệu người, gấp 3,4 lần năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 70% so với năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Về thương mại quốc tế, những vấn đề liên quan đến tài chính ở Châu Âu và Mỹ như nợ công và lãi suất tăng cao đã góp phần kìm hãm nền kinh tế và giảm tổng cầu thế giới và tác động không nhỏ tới các nước có chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu như Việt Nam.
Năm 2024 cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng từ phía tổng cầu
Tính chung năm 2023, kim ngạch xuất và nhập khẩu đều giảm mạnh so với năm trước, lần lượt giảm 4,4% và 8,9% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên minh Châu Âu (EU) và một số quốc gia Đông Á đều giảm.
Lượng xuất khẩu tới thị trường Mỹ giảm mạnh nhất ở mức 11,6%, lượng nhập khẩu từ Hàn Quốc chứng kiến mức giảm 15,5% - lớn nhất trong các thị trường chính. Điều này khiến cho sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Việt Nam giảm mạnh so với năm 2022.
“Những số liệu trên cho thấy sự sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam, do cả ba thành phần là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đều suy yếu”, TS. Nguyễn Đức Hiển khẳng định.
Nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024, GS.TS Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, tác động của các yếu tố bất lợi, bấp bênh từ tình hình kinh tế thế giới khiến những dự báo về tăng trưởng Việt Nam trong năm 2024 đều được điều chỉnh giảm so với năm 2023.
Dự báo tăng trưởng kinh tế do các tổ chức quốc tế đưa ra ở mức 5,5-6,0%, thấp hơn so với kế hoạch 6,0-6,5% được Quốc hội đề ra. Nhìn chung, kinh tế Việt Nam sẽ đối diện với nhiều tác động bất ổn, khó lường và tiêu cực từ kinh tế thế giới.
Từ thực tế đó, khuyến nghị chính sách để đạt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2024, GS, TS. Tô Trung Thành cũng như các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ sẽ phải dựa chủ yếu vào các chính sách trọng cầu.
Các động lực tăng trưởng từ phía tổng cầu như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu cần được hồi phục nhanh chóng và đẩy mạnh hơn. Đầu tư tư nhân về cơ bản khó tăng mạnh, do khó khăn của khu vực doanh nghiệp nên việc gia tăng giải ngân và chất lượng vốn đầu tư công đóng vai trò then chốt.
Chính phủ cần kích thích tiêu dùng tư nhân bằng việc ổn định vĩ mô, điều chỉnh thuế thu nhập, tăng tính lành mạnh các thị trường tài sản và đẩy mạnh các chính sách an sinh xã hội. Bên cạnh đó, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tận dụng khu vực FDI để đẩy mạnh xuất khẩu cũng là giải pháp cần chú trọng.
“Tuy nhiên, nền kinh tế về dài hạn không thể trông chờ vào đầu tư công, cần có giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, khơi thông lại nguồn lực đầu tư tư nhân trở thành động lực tăng trưởng chính và quan trọng nhất”, GS.TS Tô Trung Thành nhấn mạnh.