Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện Công ty Greenfeed cho biết, năm 2023, doanh nghiệp đã có những chuyển biến tích cực từ thực thi ESG. Cụ thể năm 2023 công ty đảm bảo việc tuân thủ và tiếp tục triển khai các sáng kiến hành động về phát triển bền vững. Tăng cường đầu tư dự án, dây truyền sản xuất cám rời để đưa thẳng đến nơi tiêu thụ hoặc người mua hàng, nhằm giảm thiếu tối đa lượng bao bì nhựa đóng gói thông thường. Nhờ đó mà tổng khối lượng nhựa cho sản xuất của công ty đã giảm được so với phương án đóng gói hoàn toàn bằng bao bì lên đến 673,8 tấn.

Thực hiện ESG nâng cao vị thế doanh nghiệp

Điện mặt trời mái nhà được lắp trên mái các trang trại chăn nuôi heo của Greenfeed (Hòa Bình)

Về chuyển dịch năng lượng, công ty đã giảm tỷ lệ sử dụng điện lưới bằng phương án sử dụng năng lượng tái tạo từ điện biogas, điện solar và biomass đạt xấp xỉ 15% cơ cấu năng lượng. Tổng phát thải giảm được tương đương 12.887 tấn CO2 (giảm 11,6% so với tổng phát thải). Thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn qua các sáng kiến tuần hoàn, thu hồi, tái sử dụng, tái chế để giảm lượng chất thải chôn lấp, nâng tỉ lệ chất thải thu hồi, tái sử dụng, tái chế đạt xấp xỉ 89%.

Trong hoạt động xã hội, Greenfeed tập trung vào phát triển con người qua các thu hút, đào tạo và phát triển nhân tài, đãi ngộ người lao động. Chỉ số hài lòng chung của nhân viên trong công việc đạt 85%, chỉ số gắn kết là 88%. Tính đến cuối năm 2023, các hoạt động của Greenfeed đã hỗ trợ được 2620 hộ gia đình cải thiện sinh kế, cung cấp được 2.600.772 bữa ăn trọn vẹn và tích cực đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng qua các chương trình dự án tiếp sức nhà nông nhằm cải thiện sinh kế cho người dân và hộ nghèo.

Bước sang 2024, Greenfeed tiếp tục triển khai các dự án sản xuất cám rời nhằm hạn chế tối đa quy trình sử dụng bao bì nhựa, đồng thời áp dụng các giải pháp chuyển đổi năng lượng, đẩy mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn trong trang trại chăn nuôi nhằm kiểm soát chất thải và giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường.

Không chỉ có doanh nghiệp FDI, mà doanh nghiệp trong nước như Vinamilk, PVN, Tập đoàn PAN cũng đặt kế hoạch cao cho mô hình ESG. Chia sẻ về mục tiêu này đại diện Tập đoàn PAN cho biết: Doanh nghiệp nhìn thấy những thách thức từ tình trạng biến đổi khí hậu, hiệu quả thấp từ tập quán canh tác truyền thống và yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường đang đặt ra những bài toán mới cho ngành lúa gạo. Có thể kể đến một số rào cản đe dọa tính bền vững của ngành như hiệu quả sản xuất lúa gạo và thu nhập của người trồng lúa hiện ở mức thấp. Chất lượng lúa gạo và sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu chưa cao, tình trạng sử dụng vật tư đầu vào chưa hợp lý, đặc biệt là phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học không hiệu quả dẫn đến tăng chi phí sản xuất, giảm chất lượng sản phẩm, và gây tăng phát thải khí nhà kính.

Thực hiện ESG nâng cao vị thế doanh nghiệp

Tập đoàn PAN và UBND tỉnh Đồng Tháp ký biên bản ghi nhớ hợp tác thực hiện đề án “Nâng cao thu nhập người trồng lúa”

Để góp phần giải quyết những “điểm nghẽn” của ngành nông nghiệp, cuối năm 2023 PAN và UBND tỉnh Đồng Tháp đã chính thức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng và thực hiện đề án “Nâng cao thu nhập người trồng lúa” với mục tiêu hình thành, phát triển chuỗi lúa gạo đa giá trị, giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Thông qua các đơn vị thành viên trong mảng nông nghiệp, gồm có CTCP Khử trùng Việt Nam (VFC), CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed), Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice – một thành viên của Vinaseed),  Tập đoàn PAN đã đưa ra đề án cung cấp các giải pháp canh tác bền vững hỗ trợ nông dân, đồng thời hướng dẫn bà con quy trình sản xuất tiêu chuẩn, giúp tăng năng suất, cũng như chất lượng, tăng thu nhập, song song cùng mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp…

Với ngành may mặc cam kết sản xuất xanh và bảo vệ môi trường là hướng đi sống còn của doanh nghiệp. Đón đầu xu thế đó, Công ty đầu tư và Thương mại TNG đã thực hiện xanh hóa bằng những chiến lược cụ thể để hướng đến lộ trình phát triển bền vững.

Cụ thể năm 2023, Công ty này đã đầu tư xây dựng giai đoạn 1 của nhà máy xử lý nước thải của cụm khu công nghiệp Sơn Cẩm có công suất 1.000m3. Năm 2024, TNG tiếp tục đầu tư Giai đoạn 2 của Nhà máy xử lý nước thải này để nâng công suất hoạt động lên 2.800 m3 và tiếp tục xây dựng các nhà máy theo tiêu chuẩn xanh hóa.

Trước đó năm 2020, nhà máy Sông Công và nhà máy Võ Nhai đạt chứng chỉ nhà máy xanh Việt Nam, là dự án đầu tiên tại tỉnh Thái Nguyên đạt chứng nhận công trình xanh của VGBC. Có thể thấy từ sớm TNG đã vạch ra lộ trình đúng đắn, hướng doanh nghiệp vào khuôn khổ xanh, góp phần vào chiến lược phát triển bền vững theo xu hướng toàn cầu.

TNG cho rằng, với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay là sự cam kết về chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn cho người sử dụng, do đó công ty sẽ cam kết chịu trách nhiệm tuyệt đối với tất cả sản phẩm của mình cung cấp cho người tiêu dùng.

Trước những mục tiêu về kế hoạch phát triển bền vững, các doanh nghiệp lớn cho biết cần nhân rộng mô hình triển khai CSI, ESG cho toàn cộng đồng doanh nghiệp, làm được điều này chúng ta cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, như rút ngắn thủ tục hành chính, ban hành các Nghị định, chính sách phát triển xanh, rõ ràng, đúng lộ trình để doanh nghiệp có hành lang pháp lý thực hiện.

“Nhằm thực hiện được các mục tiêu ESG, việc đảm bảo đủ nguồn lực cho các dự án là quan trọng, đặc biệt là về chuyển đổi năng lượng trong sản xuất, bở năng lượng tái tạo và mô hình kinh tế tuần hoàn đóng vai trò then chốt. Do đó việc hoàn thiện và bổ sung các chính sách phù hợp, nhất quán và kịp thời từ Chính phủ và các Bộ ngành để thúc đẩy các sáng kiến hành động xanh, chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn là rất quan trọng để đưa đến sự chuyển đổi mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp…” - Tập đoàn Greenfeed đề xuất.