Anh Lê Xuân Nam, 47 tuổi, ngụ tại tỉnh Bắc Giang, hiện đang sở hữu trang trại nuôi vịt khoảng 1.000 con. Điểm đặc biệt của trang trại này là chăn nuôi vịt kết hợp với âm nhạc. Theo chia sẻ của anh, ý tưởng này hình thành từ năm 2000, khi anh vẫn còn đang nuôi heo.
Khi ấy, anh nuôi heo đẻ tầm 20 con. Trong thời gian ở lại chuồng và chăm heo, anh thường mở đài thật to để cho đỡ buồn. Nhiều khi quên tắt, đài cứ mở cả ngày như vậy. Nhưng dần dần anh thấy đàn heo “nghe ké đài” này không chạy lộn xộn, thịt cũng ngon hơn những đàn khác. Sau đó khi nuôi gà, anh cũng thử cho gà nghe nhạc. Rồi đến năm 2020, anh chuyển hướng nuôi vịt và vẫn không quên áp dụng độc chiêu cho nghe nhạc của mình.
Anh chia sẻ rằng vịt từ lúc bắt về đến lúc xuất bán được nghe đủ mọi loại nhạc, từ chèo, cải lương, quan họ, thậm chí cả nhạc sàn. Theo anh, vì được nghe nhạc nên vịt giống tốt, lông mượt, dáng khỏe, nạc thịt.
Ngoài chiêu cho vịt nghe nhạc, anh Nam vẫn áp dụng đầy đủ các quy trình khác, bao gồm tiêm vắc xin, đặt trang trại xa khu dân cư, xây hầm bioga, cũng như sắm sửa các thiết bị như máy chuyển cám, máy phun sương làm mát, quạt điều hòa, v.v..
Bằng cách áp dụng những kinh nghiệm này, đến nay anh Nam đã có trang trại hàng nghìn mét vuông, xuất chuồng hơn 30.000 con vịt mỗi lứa, 3-5 lứa mỗi năm. Giá vịt trung bình chừng 40.000đ/kí, mỗi lứa đem lại cho anh hàng tỷ đồng. Vì chất lượng vịt ngon nên vịt của anh luôn có đơn vị bao tiêu sản phẩm, chủ yếu xuất đến các nhà hàng, quán ăn ở các tỉnh miền Bắc.
Trong quy trình nuôi vịt của anh Nam, cho vịt nghe nhạc là một điểm rất độc đáo. Tuy nhiên trên thực tế, cũng đã có nhiều trang trại từng dùng âm nhạc như một thứ để tăng chất lượng sản phẩm của mình.
Trang trại Tenuta Vannulo (Ý) được mệnh danh là nơi sản xuất ra loại phô mai Mozzarella ngon nhất thế giới. Ngoài những bí quyết trong cách chế biến, thì trang trại này còn áp dụng quan điểm: những chú trâu hạnh phúc sẽ cho ra loại sữa hảo hạng nhất. Vậy nên những chú trâu tại Tenuta Vannulo sống “sướng như tiên”, được nghe nhạc, được massage, được giao phối tự nguyện, cho sữa tự nguyện, chỗ nằm có thảm trải cỏ và tắm bằng vòi xịt.
Nếu Tenuta Vannulo cho trâu nghe nhạc để cho sữa tốt hơn, từ đó làm ra phô mai Mozzarella ngon hơn, thì nhà sản xuất phô mai Beat Wampfler (Thụy Sĩ) còn có cách làm kỳ quái hơn, đó là thử nghiệm cho các khối phô mai… nghe nhạc để đánh giá sự ảnh hưởng của các loại âm nhạc khác nhau đến hương vị phô mai.
Khi được Wampfler mời tham gia thử nghiệm, các nhà khoa học từ Đại học Nghệ thuật Bern thoạt đầu nghĩ ý tưởng này quá điên rồ. Tuy nhiên, họ phát hiện ra một lĩnh vực được gọi là sonochemistry (ứng dụng sóng âm vào phản ứng và quá trình hóa học), chuyên tập trung nghiên cứu ảnh hưởng của sóng âm và tác động của âm thanh đối với các vật thể rắn. Vậy nên họ đã đồng ý tham gia thí nghiệm. Họ đã cho từng loại phô mai “thưởng thức” các loại nhạc khác nhau, từ techno, ambient cho đến các tác phẩm cổ điển của Mozart.
Những ví dụ trên cho thấy việc “áp dụng âm nhạc” trong chăn nuôi và chế biến sản phẩm không phải là chuyện quá khan hiếm. Thế nhưng, không thể phủ nhận chúng mới chỉ là các kinh nghiệm, thử nghiệm, chứ chưa đưa ra được bằng chứng khoa học nào.
Chẳng hạn việc cho phô mai nghe nhạc của Wampfler, đến nay vẫn chưa có kết quả rõ ràng. Hoặc trong ví dụ đàn vịt của anh nông dân Việt Nam hay đàn trâu ở nước Ý xa xôi, thì âm nhạc cũng chỉ là một phần trong quy trình chăn nuôi tỉ mỉ của họ, chứ chưa có gì khẳng định âm nhạc là yếu tố then chốt.
Ngay cả bí quyết “cho bò nghe nhạc” của Kobe thực ra cũng chỉ là truyền thuyết, tức là trên thực tế, trong quy trình chuẩn nuôi bò Kobe không có tiết mục nghe nhạc. Thế nhưng, chi tiết “bò nghe nhạc” đã trở thành một câu chuyện tiếp thị nổi bật, góp phần đưa danh tiếng bò Kobe bay đi khắp thế giới.
Cũng giống vậy, việc cho vịt, cho trâu nghe nhạc, chưa biết có cơ sở khoa học hay không, nhưng đó là một câu chuyện hay, một tài nguyên tiếp thị hiệu quả. Bằng chứng là năm 2023, mô hình nuôi vịt nghe nhạc của anh Lê Xuân Nam nhận giải khuyến khích Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bắc Giang lần thứ 10, rất nhiều bà con trong tỉnh đã đến học tập cách làm của anh Nam, và đàn vịt nghe nhạc cũng đang đem đến cho anh Nam rất nhiều tiền mỗi năm.