Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) vừa có văn bản gửi UBND TP Hồ Chí Minh, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh về đề xuất phương án lưu thông cho xe tải khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Theo đó, thông qua các phương tiện thông tin báo chí, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam được biết, để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất, Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TPHCM) vừa có đề xuất lên Sở phương án hạn chế xe tải đi lại qua khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình).
Theo đó, cấm xe tải vào đường Trường Sơn ở cả hai hướng. Riêng hai nhánh Bạch Đằng và Hồng Hà là đường một chiều, việc cấm xe tải sẽ áp dụng đoạn từ Hồng Hà (tuyến cắt ngang hai nhánh) tới đường Trường Sơn. Nếu được thông qua, lệnh cấm dự kiến áp dụng theo 2 giai đoạn: Từ 1/9/2024 thời gian cấm xe từ 6 - 20 giờ; từ 1/1/2025 nới thời gian cấm đến 22 giờ.
Trong khi đó, hiện nay xe tải vẫn được hoạt động tại khu vực này trong khung giờ từ 9h – 16h. Nhận thấy, việc điều phối lại giao thông, đặc việc thay đổi khung giờ cấm xe tải hoạt động sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp hội viên, VLA đã tiến hành khảo sát “Mức độ ảnh hưởng và khó khăn của Doanh nghiệp vận tải và logistics khi TP.HCM dự kiến cấm xe tải vào 3 tuyến đường khu vực Tân Sơn Nhất”.
"Kết quả khảo sát cho thấy, 100% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng, nếu phương án cấm tải mới này được áp dụng, hoạt động vận chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu qua đường hàng không ở khu vực phía Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây chậm trễ, không đáp ứng thời gian theo yêu cầu của khách hàng, phát sinh chi phí lớn", VLA nhận định.
Đặc biệt, kho số 1 tại địa chỉ 49 Trường Sơn là kho chuyên xuất khẩu sẽ gặp khó khăn lớn nhất khi không có đường tiếp cận vào khung giờ cấm tải. Hoạt động của cả chuỗi cung ứng sẽ chuyển hoàn toàn về ca đêm.
Trong khi đó nhà máy, kho, các dịch vụ liên quan như chiếu xạ, cơ quan quản lý nhà nước (hải quan, kiểm tra chuyên ngành) chủ yếu hoạt động theo khung giờ hành chính.
"Theo tính toán sơ bộ của các doanh nghiệp tham gia khảo sát, chi phí phát sinh có thể từ 30 – 300% nếu phương án khung giờ cấm tải mới được áp dụng, chưa kể chi phí bị khách hàng phạt do thời gian giao hàng chậm trễ, hàng hóa bị giảm chất lượng đặc biệt đối với hàng rau, trái cây tươi và thủy sản", văn bản của VLA nêu rõ.
Các doanh nghiệp lý giải, hàng hoá được vận chuyển tập trung theo giờ chuyến bay nên không thể vận chuyển tránh giờ cấm như trên. Giả sử tập kết hàng trước vào khung giờ cho phép thì kho bãi của kho hàng TCS sẽ không đủ khả năng đáp ứng cho khối lượng hàng hoá xuất khẩu của các doanh nghiệp đồng thời phát sinh chi phí lưu kho. Riêng mặt hàng đặc thù tươi sống (rau củ quả, hải sản…) sẽ không thể tập kết trước thời gian dài làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hoá xuất khẩu.
Điều tiết giao thông từ xa
Chính vì vậy Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh xem xét không áp dụng phương án cấm tải mới do Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ đề xuất mà giữ nguyên giờ cấm tải như hiện nay.
Để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, đề nghị cơ quan chức năng tăng cường các lực lượng, số lượng nhân sự điều phối giao thông tại khu vực này, đồng thời thực hiện phân luồng, điều tiết giao thông từ xa.
Về lâu dài, cần xây dựng kho hàng không nối dài ngoài khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, hoàn thiện hạ tầng giao thông như mở thêm các tuyến đường kết nối, xây cầu vượt tại các nút giao thông tại vực Tân Sơn Nhất nhằm hướng tới không còn khung giờ cấm tải tại khu vực này.
"Chỉ khi không còn khung giờ cấm tải, hoạt động vận chuyển, logistics mới thực sự thuận lợi, góp phần phát triển kinh tế không chỉ cho TP. HCM mà còn cho cả nước", văn bản kiến nghị của VLA nhấn mạnh.