Đây là những lĩnh vực mà Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển. Nhiều chuyên gia đầu ngành của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA), BCG Hàn Quốc hay các tập đoàn Qualcomm, Cadence, Amkor… đều đánh giá cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Thực tế, trong thời gian qua, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu trong các lĩnh vực trên đã đến Việt Nam để tìm kiếm hợp tác đầu tư.

Kết nối và hợp tác phát triển công nghiệp bán dẫn

Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp bán dẫn - ngành công nghiệp lõi, hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử

Trong sự phát triển nhanh của công nghệ, công nghiệp bán dẫn được đánh giá là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử. Theo dự báo của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), thị trường bán dẫn Việt Nam có thể tăng trưởng hơn 6% trong giai đoạn 2022-2027.

Ngược lại, Việt Nam cam kết đóng góp tích cực vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngành công nghiệp bán dẫn và mong muốn trở thành đối tác tin cậy, “mắt xích” quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn toàn cầu. Lợi thế phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đến từ các yếu tố như vị trí chiến lược; cơ sở hạ tầng số ngày càng phát triển; nguồn nhân lực trẻ dồi dào, có sức sáng tạo cao…

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, để tận dụng cơ hội, tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam đã và đang từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngành bán dẫn như đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ và kết nối doanh nghiệp… Trong đó, đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” với mục tiêu đào tạo 50 nghìn kỹ sư đến năm 2030 đang được xây dựng.

Cùng với ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đang trở thành làn sóng phát triển mới với khả năng tạo sự thay đổi không chỉ trong lĩnh vực công nghệ mà cả cách con người nghiên cứu, làm việc, sáng tạo nội dung. Báo cáo của McKinsey 2023 đưa ra dự đoán AI sẽ đóng góp hàng nghìn tỷ đô la cho kinh tế toàn cầu.

Kết nối và hợp tác phát triển công nghiệp bán dẫn

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động phát triển ứng dụng công nghệ cao, trong đó có AI vào sản xuất kinh doanh

Trong dòng chảy phát triển nhanh của AI trên toàn cầu, Việt Nam đã có những bước đi mạnh mẽ trong việc tham gia thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và phát triển nguồn nhân lực AI. Theo báo cáo của Oxford Insights, năm 2022 Việt Nam đã vươn lên thứ 55 trong số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ về chỉ số sẵn sàng về AI, tăng 7 bậc so với 2021. Nhiều doanh nghiệp đạt hành tích đáng kể trong nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo như FPT, Viettel AI, VNPT AI, VIN AI…  cho thấy năng lực và vị thế của kỹ sư, chuyên gia Việt Nam trong việc nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ AI.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh: Việt Nam sẽ tạo thuận lợi cho đầu tư vào các dự án công nghệ cao, công nghệ bán dẫn. Trong thời gian tới, một số chương trình, hoạt động lớn được tổ chức nhằm tạo ra những sân chơi hội tụ các nguồn lực, ý tưởng đột phá  giúp các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội của ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Ngoài ra, lan tỏa nhận thức về tầm quan trọng và giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; khuyến nghị, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các giải pháp phục vụ nâng cấp cải tiến vận hành doanh nghiệp; cải thiện hiệu suất, phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trên thị trường thế giới.