Phát biểu tại lễ vinh danh Doanh nghiệp tiêu biểu vì Người lao động năm 2023, ông Lê Minh Khái – Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết: trong quá trình trưởng thành, phát triển của mỗi doanh nghiệp, người lao động chính là nguồn lực sản xuất, là yếu tố chủ chốt ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Đây là lực lượng trực tiếp tạo ra giá trị kinh tế, nuôi dưỡng văn hóa doanh nghiệp, đóng góp vào tăng trưởng và phát triển chung của doanh nghiệp.
Phát huy nội lực của doanh nghiệp
Khẳng định, người lao động là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: chăm lo, bảo vệ và tạo ra phúc lợi lâu dài cho người lao động, xây dựng được mối quan hệ lao động ổn định, bền vững, tiến bộ cũng chính là yếu tố giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Ngày 10/10/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 41 – NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết mới với những nội dung mới trong quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển, phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam chắc chắn sẽ khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo của doanh nhân nước ta. Từ đó xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh, đủ sức gánh vác các nhiệm vụ tiên phong, thực hiện mục tiêu đưa đất nước trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Tại Nghị quyết này, Bộ Chính trị cũng chỉ đạo cần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ, thực chất giữa doanh nghiệp và người lao động, đẩy mạnh ký kết thoả ước lao động tập thể, giải quyết hài hoà lợi ích doanh nghiệp và người lao động; định kỳ tổ chức đối thoại, hội nghị người lao động trong doanh nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện cho tổ chức Công đoàn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, phát huy vai trò cầu nối giữa người lao động với doanh nhân, doanh nghiệp; phối hợp phát triển doanh nghiệp, xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh, thực hiện trách nhiệm xã hội.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, nhờ đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước; sự nỗ lực vươn lên của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam và sự hỗ trợ tích cực của toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp thực sự đã trở thành lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Các doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, là lực lượng chủ lực, tiên phong tạo ra nhiều công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động, góp phần giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Liên kết nâng tầm doanh nghiệp Việt Nam
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết thêm: Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục nhất quán quan điểm đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4…
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn các cấp tiếp tục xây dựng, triển khai hiệu quả phong trào thi đua học tập, rèn luyện nâng cao trình độ kỹ năng nghề, học tập suốt đời trong công nhân lao động; tăng cường tư vấn, tuyên truyền pháp luật, đối thoại, thương lượng, tham gia ý kiến với người sử dụng lao động về bảo đảm duy trì việc làm, sắp xếp lao động và giải quyết chế độ cho người lao động theo đúng quy định pháp luật.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đề nghị doanh nghiệp Việt Nam không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn tầm khu vực và quốc tế; phát huy hơn nữa tính chủ động, năng động sáng tạo để không những phát triển doanh nghiệp do mình làm chủ mà còn tăng cường liên kết, tạo nên sức mạnh tổng hợp để nâng tầm vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Đối với người lao động, cần chủ động học tập, bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng đáp ứng yêu cầu môi trường lao động, môi trường làm việc trong tình hình mới…
Năm nay, chương trình “Doanh nghiệp vì Người lao động” tôn vinh 64 doanh nghiệp tiêu biểu, có nhiều nỗ lực vượt khó, tiếp tục phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế giai đoạn hậu COVID-19. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm thêm nguồn công việc, thị trường mới; đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để đáp ứng được yêu cầu mới trong công việc; quan tâm bổ sung phúc lợi chăm lo cho người lao động, cải thiện môi trường làm việc…
Tại buổi lễ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tặng Bằng khen cho 30 doanh nghiệp.