TP.HCM, đây là một địa phương dẫn đầu trong cả nước về phát triển công nghiệp từ rất sớm cũng như thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thập niên 80. Một lý do điển hình được lựa chọn cho vấn đề thực hiện/ triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) là các doanh nghiệp tại địa phương này đang đối diện với các vấn đề của một siêu đô thị với xu thế khu vực dịch vụ đang lấn át và khu vực công nghiệp đang phát triển chậm lại trong nhiều năm với các hệ lụy về tiếng ồn, môi trường, ách tắc giao thông, và tạo ra quá tải về cơ sở hạ tầng xã hội. Khảo sát được thực hiện tại 100 doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp đóng trên địa bàn TP.HCM vào cuối năm 2022, gồm 60 doanh nghiệp trong nước và 40 doanh nghiệp nước ngoài.
Triển khai mô hình KTTH: Doanh nghiệp Việt chưa chủ động
Về nhận thức: Do KTTH là mô hình mới, đang trong quá trình nhận thức, nhận dạng và từng bước triển khai với lộ trình thích hợp nên nhìn chung nhận thức, thái độ và định hướng kinh doanh của doanh nghiệp có vai trò quan trọng.
Theo kết quả ghi nhận được, có thể khẳng định rằng trong 100 doanh nghiệp được khảo sát, phần lớn doanh nghiệp khẳng định không có khả năng triển khai quy trình tái chế và tái sử dụng tất cả sản phẩm đầu ra của mình và chưa xây dựng kế hoạch, quy trình triển khai mô hình KTTH.
Về định hướng kinh doanh: Phần lớn doanh nghiệp có nhận thức và sẵn sàng triển khai mô hình KTTH nhưng chưa sẵn sàng đầu tư nguồn lực, chưa sẵn sàng chấp nhận những khó khăn trước mắt để đón nhận cơ hội mà nền KTTH đem lại.
Về lợi ích của KTTH đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp: Trong 3 nhân tố lợi ích của KTTH đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, thì lợi ích kinh tế được đánh giá cao nhất; Kế đến là lợi ích xã hội; Lợi ích môi trường được đánh giá thấp nhất.
Về rào cản của doanh nghiệp trong triển khai mô hình KTTH: Nhân tố thách thức chính của doanh nghiệp trong triển khai mô hình KTTH có tất cả 3 biến được đánh giá là thách thức lớn nhất (Hành lang pháp lý và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (ưu đãi thuế, khoa học công nghệ, tài chính…) phát triển KTTH chưa rõ ràng và chưa hiệu quả); (Hàng hóa và sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm tái chế chưa thực sự được quan tâm, hỗ trợ từ người tiêu dùng và thị trường), (doanh nghiệp luôn gặp khó khăn tài chính khi triển khai mô hình KTTH). Theo đó, doanh nghiệp đánh giá “Hành lang pháp lý phát triển KTTH chưa rõ ràng và chưa hiệu quả” là thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp.
So sánh loại hình doanh nghiệp với các nhân tố: Qua kiểm định loại hình doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước với các nhân tố cho thấy: Thực tế triển khai của doanh nghiệp; Lợi ích của KTTH đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; Định hướng kinh doanh của doanh nghiệp và Giải pháp triển khai hiệu quả KTTH trong doanh nghiệp không có sự khác biệt về ý nghĩa thống kê giữa loại hình doanh nghiệp với các yếu tố. Tuy nhiên, có sự khác biệt về ý nghĩa thống kê giữa loại hình doanh nghiệp với nhân tố Thách thức chính của doanh nghiệp trong triển khai mô hình KTTH. Nói cách khác doanh nghiệp FDI ít gặp thách thức hơn doanh nghiệp trong nước khi chuyển sang mô hình KTTH, và chủ động, sẵn sàng chuyển sang mô hình KTTH hơn doanh nghiệp trong nước.
Triển khai mô hình KTTH là giải pháp đột phá
Có thể nói triển khai mô hình KTTH là một xu hướng tất yếu và đang được áp dụng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới và có thể xem là một trong những giải pháp đột phá để giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường trong bối cảnh phát triển công nghiệp, đô thị, thay đổi về tiêu dùng và lối sống. Thực hiện KTTH còn đang được xem xét như là một trong những giải pháp góp phần phục hồi nền kinh tế hậu COVID-19 trong bối cảnh nguồn cung nguyên liệu, nhiên liệu đang bị đứt gãy do giãn cách xã hội.
Việt Nam đã sớm công nhận và thể chế hóa khái niệm, quy định về KTTH trong khuôn khổ chủ trương, chính sách và pháp luật của Việt Nam. Tuy nhiên, để đưa KTTH vào thực tiễn cuộc sống, đặc biệt là phát huy vai trò trọng tâm, chủ thể chính của doanh nghiệp trong triển khai KTTH, cần nghiên cứu, đánh giá thật kỹ những nhân tố tác động chủ yếu đến triển khai mô hình KTTH cấp độ doanh nghiệp.
Từ kết quả nghiên cứu đánh giá của 100 doanh nghiệp tiêu biểu tại TP.HCM, nơi mà phát triển công nghiệp và thu hút FDI từ rất sớm ở Việt Nam và hiện đang đối diện với nhiều áp lực phải chuyển đổi sang mô hình KTTH mạnh mẽ nhất do bối cảnh siêu đô thị hiện đang có nhiều vấn đề về hiệu quả, môi trường và xã hội. Chúng ta rút ra được các nhân tố tiêu biểu, quan trọng tác động trực tiếp đến triển khai mô hình KTTH ở cấp độ doanh nghiệp bao gồm: thực tế triển khai và định hướng, sự sẵn sàng của doanh nghiệp trong triển khai mô hình KTTH, lợi ích cụ thể và thách thức, và rào cản chính của doanh nghiệp khi chuyển sang mô hình KTTH. Trong từng nhân tố, chúng tôi phân tích, làm rõ tham số nào có ý nghĩa quyết định nhất, trong đó thách thức lớn nhất của doanh nghiệp tập trung hai điểm:
Khó khăn chủ quan của doanh nghiệp khi chuyển sang mô hình KTTH là doanh nghiệp không có khả năng triển khai quy trình tái chế và tái sử dụng các sản phẩm đầu ra của mình. Trong khi đó, khó khăn khách quan khi thực hiện mô hình KTTH là hành lang pháp lý và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (ưu đãi thuế, khoa học công nghệ, tài chính…) phát triển KTTH chưa rõ ràng và chưa hiệu quả. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, gợi mở hướng nghiên cứu ban hành và thực thi chính sách cho các cơ quan quản lý, đặc biệt trong nhận diện khó khăn và tháo gỡ các rào cản chủ yếu của doanh nghiệp khi chuyển sang mô hình KTTH.