Theo thông tin từ Bộ Công thương, sản xuất công nghiệp tháng 10 tiếp tục xu hướng tích cực hơn tháng trước khi chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2023 tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước.
Mức tăng IIP trong tháng 10 là mức tăng cao nhất trong 7 tháng gần đây (kể từ tháng 4/2023 đến nay). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước; ngành khai khoáng giảm 5,7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,2%.
Song, những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt là những tháng đầu năm đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp trong nước nên tính chung 10 tháng, IIP tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,9%), đây là mức lũy kế tháng so với cùng kỳ năm trước đạt mức cao nhất kể từ đầu năm.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, nhìn chung, suy giảm xuất khẩu đang ngày càng được thu hẹp khi 10 tháng giảm 7,1% so với mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023. Tính chung 10 tháng, mức giảm kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước chỉ bằng 50% mức giảm của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô (giảm 4,1% so với mức giảm 8,1%) cho thấy những nỗ lực của khu vực kinh tế trong nước để duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn.
Thêm vào đó, trong 10 tháng, có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Với nhiều nhóm hàng nông sản, gạo, trái cây đã tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường và giá tăng cao nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, cũng là nhóm hàng duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng trong 10 tháng (tăng 3,8%).
Về phía doanh nghiệp, theo ông Trần Chí Gia, Giám đốc Công ty CP May Meko – Cần Thơ chia sẻ, năm 2023, công ty xuất khoảng 1 triệu sản phẩm may mặc. Lợi nhuận không bằng năm 2022, do giá gia công giảm nhưng vẫn giữ được sản lượng tương đương năm trước và công nhân có việc làm ổn định là điều đáng mừng. Mùa sản xuất cuối năm nay cũng hơi khó với sản phẩm cho đơn hàng thời trang xuân hè, do nguyên phụ liệu về chậm và mùa thu đông xuất sớm hơn 1 tháng so với năm trước. Nhưng hy vọng, tháng 12-2023, nguyên phụ liệu sẽ về nhiều để kịp các đơn hàng. Về dự báo đơn hàng năm 2024, đến thời điểm này, khách hàng đã chốt sơ bộ đơn khoảng 1 triệu sản phẩm.
Có thể thấy rằng, nhu cầu thị trường bên ngoài cải thiện trong 2 tháng qua, nhưng ở mức khiêm tốn, trong khi đó, nhu cầu trong nước tiếp tục trầm lắng, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, chứng tỏ niềm tin tiêu dùng vẫn yếu.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hà Nội (Hansiba), ông Nguyễn Vân cho biết, tuy đã có những khởi sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ của các doanh nghiệp, nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới tiềm ẩn nguy cơ tăng giá, rủi ro về tỷ giá tạo sức ép lên chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu trong nước. Đồng thời, ông Vân cũng bày tỏ, để thực sự đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp sản xuất nói chung và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng, các chính sách cần tập trung vào giải quyết các vướng mắc, khó khăn còn tồn tại trong một số vấn đề như nguồn vốn tài chính, xúc tiến thương mại và đầu tư, nguồn nhân lực, công nghệ, khởi nghiệp lập nghiệp, qua đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển.
Theo đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ đang tập trung những giải pháp trọng tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, một số địa phương trọng điểm về công nghiệp.
Thời gian qua, nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh tiếp tục được triển khai tích cực, đồng bộ, đặc biệt là chính sách tiền tệ, hỗ trợ giảm lãi suất. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành nhiều đợt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cũng sẽ có tác động tích cực trong thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong những tháng cuối năm.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hà Nội (Hansiba) cho hay, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trong năm 2023, nhất là trong những tháng cuối năm: “Chúng tôi đánh giá điều này sẽ có tác động tích cực đến phục hồi và tăng trưởng ở một số ngành như: thép, vật liệu xây dựng, cơ khí… Từ đó góp phần quan trọng kích cầu và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước”.
Ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty cơ khí chính xác SKD Việt Nam cho biết, bản thân các doanh nghiệp công nghiệp, cơ khí cũng đang dồn lực cho hoạt động sản xuất những tháng cuối năm.
“Nhiều doanh nghiệp ngành cơ khí, công nghiệp chế tạo đều gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ khi tổng cầu giảm sút mạnh. Cùng với đó là chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến sản phẩm giảm sức cạnh tranh. Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp chúng tôi và một số doanh nghiệp đã đẩy nhanh quá trình “số hóa”, ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, theo tiêu chuẩn 5S để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, đến nay công ty vẫn đang có được những bạn hàng quan trọng”, ông Kết cho biết.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương nhấn mạnh, sẽ tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.
Ngoài ra, Bộ cũng đẩy mạnh việc kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam, cũng như tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng. Nhằm thúc đẩy sản xuất công nghiệp, chế biến chế tạo trong nước tăng tốc về cuối năm.