Theo đó, vị Tổng Giám đốc mới được giới thiệu là ông Hồ Mai Hồ – đây cũng là vị Tổng Giám đốc người Việt đầu tiên của Starbucks. Ông Hồ Mai Hồ là người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ, FMCG, trong đó có trên 10 năm làm cho DKSH Việt Nam và Campuchia, tại đây ông từng là giám đốc ngành hàng tiêu dùng với hơn 40 thương hiệu, bao gồm cả ngành đồ uống.
Ngoài ra, tân CEO Starbucks Việt Nam cũng đảm nhiệm vị trí quản lý tại các công ty có tiếng như: Giám đốc bán hàng khu vực tại Nestle Việt Nam, Giám đốc chi nhánh tại Masan Consumer, Giám đốc điểm bán hàng quốc gia Societe Generale, Giám sát bán hàng Unilever.
Gần đây nhất, theo cập nhật từ hồ sơ Linkedin của ông Hồ cho thấy ông đang đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc tại Grove Group từ tháng 10/2020 đến đây.
Grove Group cũng là tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ. Đây chính là đơn vị sở hữu chuỗi cửa hàng trái cây và thực phẩm Grove Fresh. Tuy nhiên, theo trang fanpage của thương hiệu này thì chuỗi này đã tạm ngưng hoạt động từ 30/12/2022.
Trở thành một thành viên của Starbucks tại Việt Nam, ông Hồ Mai Hồ chia mong muốn mang đến nhiều trải nghiệm mới hơn nữa cho khách hàng trong các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, việc chuyển giao vị trí Tổng Giám đốc của Starbucks Vietnam không làm thay đổi cam kết của thương hiệu, đó là phục vụ sản phẩm cà phê với chất lượng tốt nhất, tạo mối liên kết đến từng khách hàng và thực hiện trách nhiệm với cộng đồng và xã hội tại nơi Starbucks hoạt động kinh doanh.
Được biết, sau một thập kỷ đến Việt Nam, Starbucks đã ghi được nhiều dấu ấn quan trọng đối với khách hàng Việt. Đặc biệt, năm 2023 đánh dấu cột mốc quan trọng của thương hiệu với 100 cửa hàng trải dài trên khắp cả nước, đồng thời mô hình cửa hàng cộng đồng đầu tiên tại Việt Nam cũng được giới thiệu rộng rãi đến công chúng.
Trước ông Hồ, Starbucks Vietnam được điều hành bởi bà Patricia Marques. Nữ lãnh đạo đã gắn bó hơn 30 năm với Starbucks toàn cầu, trong đó dành 10 năm để gây dựng Starbucks Vietnam kể từ ngày đầu thương hiệu này bước vào thị trường. Thời gian tới, bà Patrics Marques sẽ chuyển giao công việc cho lãnh đạo mới và chính thức nghỉ hưu.
Thời gian qua, nguy cơ suy thoái ở nhiều nền kinh tế đã ảnh hưởng tới sức mua của người tiêu dùng, hệ quả là ngành thực phẩm – đồ uống (F&B) đang phải đối mặt với nhiều “cơn gió ngược”.
Theo một báo cáo từ Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận tăng doanh thu cũng giảm theo (từ năm 2022 đến năm 2023 giảm 3,9%). Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận giảm lợi nhuận (41,7%) lớn hơn đáng kể tỷ lệ doanh nghiệp giảm doanh thu (33,3%), cho thấy không ít doanh nghiệp có doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận lại không như kỳ vọng.
Những khó khăn của ngành F&B Việt Nam được thể hiện qua diễn biến chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của hai ngành sản xuất, chế biến thực phẩm và sản xuất đồ uống khi chỉ số này giảm liên tiếp từ cuối quý I đến giữa quý II/2023.
Cùng với dấu hiệu phục hồi chậm của chỉ số IIP được ghi nhận từ cuối quý II, hoạt động ngành F&B có khả năng cải thiện, nhưng khó đạt được sự tăng trưởng bứt phá. Theo đó, Starbucks VietNam cũng không là ngoại lệ.