Tập 5 chính thức đánh dấu kỷ lục huy động vốn của Shark Tank mùa 6, khi startup cho thuê căn hộ dịch vụ Aplus Home của nhà đồng sáng lập Đào Quý Phi nhận được khoản đầu tư 2 triệu USD từ Shark Hưng.
Theo chia sẻ từ anh Phi, Aplus Home là nền tảng cho thuê căn hộ dịch vụ. Về cơ bản, Aplus Home kết nối chủ nhà với nhà đầu tư, xây dựng các gói đầu tư, lấy tiền để cung cấp nội thất, cải tạo, sửa chữa căn hộ, quản lý vận hành. Sau đó, những căn hộ sẽ được niêm yết lên ứng dụng, để khách hàng tự do lựa chọn và quyết định thuê căn nào, giống cách khách hàng đặt phòng khách sạn trên các ứng dụng.
Anh cho biết nhu cầu thực tế của thị trường này là rất lớn. Chỉ tính riêng hai thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã có đến 9 triệu người đang đi thuê nhà, trong đó có 2 triệu người thuộc phân khúc khách hàng mục tiêu của Aplus Home.
Bức tranh tài chính của Aplus khá triển vọng. Anh Phi khẳng định rằng tỷ lệ lấp đầy phòng của Aplus Home luôn trên 95%. Trong năm ra mắt là năm 2021, ví dính COVID-19, cũng như tập trung phát triển và tối ưu hóa mô hình nên doanh thu chỉ đạt vài trăm triệu. Tuy nhiên đến năm 2022, khi chính thức triển khai ra các căn hộ, Aplus đạt doanh thu 7 tỷ. Trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu Aplus đã đạt 12 tỷ, kỳ vọng cả năm 2023 là 35 tỷ.
Hiện nay nguồn tiền của Aplus đến từ 3 mảng, bao gồm cho thuê căn hộ (70%), quản lý vận hành (25%) và các dịch vụ giá trị gia tăng (5%).
Về điểm mạnh của các căn hộ dưới trướng Aplus, anh Phi cho rằng những căn hộ này có giá ngang với thị trường, nhưng sở hữu concept đẹp, chất lượng vận hành tốt. Do đó tỷ lệ khách gia hạn hợp đồng là rất cao.
Sau khi nghe những phân tích của anh Phi và đặt các câu hỏi liên quan, Shark Hưng đề nghị đầu tư 2 triệu USD cho Aplus, bao gồm 500.000 USD đổi lấy 4% cổ phần và 1,5 triệu USD tiền đầu tư với điều kiện hoàn vốn trong 24 tháng. Nếu đạt được, thì 1,5 triệu USD sẽ chuyển thành cổ phần với định giá doanh nghiệp cao nhất là 20 triệu USD.
Đề nghị được phía Aplus Home chấp nhận, khép lại thương vụ lớn nhất Shark Tank mùa 6 này.
Khi nhìn vào mô hình của Aplus Home, không khó để thấy đây là mô hình khá tương tự OYO.
OYO là chuỗi khách sạn cho thuê và nhượng quyền thương hiệu lớn thứ ba thế giới, đồng thời là chuỗi phát triển nhanh nhất. Nó giúp người sáng lập, ông Ritesh Agarwal, trở thành tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới. Thành lập năm 2013 với khởi nguồn từ Ấn Độ, đến nay OYO hoạt động tại 800 thành phố ở hơn 80 quốc gia trên thế giới, trải rộng nhiều khu vực, từ Anh, Mỹ, UAE, Dubai, đến Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, v.v..
Trong mạng lưới khách sạn của mình, OYO không thực sự sở hữu bất kỳ khách sạn nào. Họ chỉ hợp tác với các chủ khách sạn, cải tạo, làm mới, cung cấp quy trình quản lý vận hành và đưa các khách sạn vào thương hiệu OYO, cũng như niêm yết lên ứng dụng OYO để khách hàng tiếp cận và đặt phòng.
Trong quá trình hoạt động, OYO cung cấp nhiều loại dịch vụ khác nhau, đáp ứng nhu cầu của từng phân khúc khách, nhưng vẫn tuân thủ theo mô hình hợp tác với chủ khách sạn và bán dịch vụ đến khách hàng.
Về doanh thu, OYO có nhiều nguồn. Cơ bản nhất và nhiều nhất là tiền hoa hồng từ khách sạn. Mỗi khách sạn OYO thu phí 22% trên tổng doanh thu. Ngoài ra, họ còn kéo doanh thu từ phí đặt phòng (do khách đặt phòng trả), tiền quảng cáo, hoặc các dịch vụ thuê bao, tư vấn, v.v..
Các thức hoạt động này đã giúp OYO không ngừng phát triển và thu về nhiều kết quả tích cực. Năm 2018, họ đạt kỷ lục với số lượng 75 triệu đêm phòng, doanh thu 211 triệu USD. Đến năm 2019, doanh thu tăng vọt lên 951 triệu USD. Tính đến thời điểm hiện tại, OYO sở hữu hơn 1 triệu phòng tại 43 nghìn khách sạn.
Với việc hoạt động bằng một mô hình tương đồng OYO, Aplus Home có tiềm năng đạt được những thành công tương tự.
Tuy nhiên thành công của OYO lại ở thị trường quốc tế. Còn tại Việt Nam, dù đã thâm nhập thị trường 4 năm, thế nhưng cái tên OYO vẫn khá mờ nhạt, chỉ xuất hiện ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, với khoảng hơn chục đối tác lưu trú. Đây cũng là một vết xe đổ để Aplus Home nhìn vào và cẩn trọng.