Được sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức chương trình: Diễn đàn Thu hút Đầu tư Phát triển Nông nghiệp Xanh 2024.
Tham dự Diễn đàn có ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận; Ông Phạm Văn Trọng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang; Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI chi nhánh TP Hồ Chí Minh; Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT TP. HCM; Ông Huỳnh Tất Đạt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp; Ông Nguyễn Hà Lộc – Phó Giám đốc Sở NNNT tỉnh Lâm Đồng; Ông Nguyễn Văn Phụng – nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế; Ông Trần Chí Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistic Việt Nam (VLA); Ông Phạm Đình Dũng - Trưởng Ban, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP HCM; Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân TP. HCM; Ông Trương Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận; Ông Nguyễn Quang Hòa, Phó GĐ Trung tâm Xúc đầu tư TM và DL Bình Phước; Ông Ngô Xuân Chinh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp; GS. TS. Dương Nguyên Khang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Khoa học Công nghệ, Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh; TS. Phạm Thanh Duy - Phó Giám đốc Trung tâm phát triển nông thôn Saemaul Undong; Ông Huỳnh Thái Nguyên, PGĐ Công ty Nông nghiệp hữu cơ OAU…
Về phía ban tổ chức có sự tham dự của Nhà báo Phạm Hùng – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.
Diễn đàn còn có sự tham gia của đại diện các hiệp hội ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp địa phương, một số doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Trịnh Minh Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ninh Thuận là một tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ có cửa ngõ giao thông thuận lợi. Ninh Thuận có điều kiện khí hậu thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nhiệt độ bình quân 27- 28 độ, nhiệt độ lý tưởng để phát triển nông nghiệp. Có thời gian bức xạ 12 tiếng trong ngày, mỗi năm có 28 - 32 nghìn bức xạ, rất thuận lợi để sản xuất nông nghiệp.
Ninh Thuận giao thoa thời tiết giữa nóng, khô hạn với cao nguyên Lâm Đồng rất thuận lợi cho phát triển cây có muối. Cây có muối phát triển được ở Ninh Thuận thì có chất lượng không thua kém gì các vùng khác, như: sầu riêng, măng cụt, chôm chôm không thua gì miền Tây. Đặc biệt, nho, táo có diện tích trồng và phát triển lớn nhất cả nước.
“Vùng giao thoa này đặt ra tiểu vùng khí hậu 2 để phát triển các cây nông nghiệp. Với cây lan hồ điệp, phải phát triển ở Ninh Thuận trước rồi sau đó mới di chuyển lên Lâm Đồng để chăm sóc và phục vụ bà con dịp Tết. Bên cạnh đó, dưa lưới phát triển diện tích lớn nhất nước, đạt chuẩn organic tuần hoàn, phân bón hữu cơ, năng lượng tuần hoàn”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chia sẻ.
Ông Hoàng cũng cho rằng, Ninh Thuận là một địa phương khô hạn nhất nước, với suy nghĩ trước đây là vùng rất bất lợi. Tuy nhiên, 10 năm trở lại đây, vùng đất này đã biến từ bất lợi thành có lợi. Nắng, gió là lợi thế để Ninh Thuận phát triển năng lượng sạch lớn nhất cả nước nước.
Về thủy lợi, nói tới Ninh thuận là khô hạn, nhưng lại có hệ thống thủy lợi hiện đại nhất Việt Nam, bổ sung 8.000 ha phục vụ cho sản xuất. Hệ thống thủy lợi chạy tự động và lớn nhất Việt Nam.
Hạ tầng giao thông cao tốc từ TP.HCM tới Ninh thuận chỉ mất 3 tiếng đồng hồ thay vì 6 - 7 tiếng như trước đây. Đặc biệt vừa qua, Thủ tướng đã đồng ý bổ sung sân bay Thành Sơn là sân bay quân sự cấp 1 nằm tại TP. Phan Rang - Tháp Chàm, có tuyến đường sắt cho tỉnh Ninh Thuận.
Về đất đai, Ninh Thuận có lợi thế về quỹ đất, còn nhiều dư địa cho phát triển nông nghiệp, cơ hội phát triển cao, với giá đất thấp hơn nhiều so với mức giá đất của các địa phương khác trong khu vực.
Về công nghiệp, hiện Ninh Thuận có 03 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 855 ha và hiện đã đầu tư cơ sở hạ tầng trong KCN, và KCN Cà Ná với diện tích 827ha đang trình chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó tỉ lệ lấp đầy khoảng 20%, nên quỹ đất còn khá lớn, là điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận đất đai, đầu tư phát triển.
Trong lĩnh vực trồng trọt, đối với NInh Thuận hiện nay chưa có tác động từ hóa chất hoặc phân bón vô cơ. Do đó, đây là điều kiện rất tốt và thuận lợi cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, organic…
Ông Trịnh Minh Hoàng cũng cho rằng, tình hình phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ tuần hoàn, 15 năm nay đi theo nông nghiệp sạch. Trồng trọt thì canh tác tổng hợp trồng lúa gieo sạ, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng thuốc bảo thực vật theo “4 đúng”, giảm lượng phân bón vô cơ “3 giảm, 3 tăng", “1 phải, 5 giảm” đã góp phần giảm chi phí sản xuất và giảm gây ô nhiễm môi trường, tăng năng suất, chất lượng lúa gạo.
"Nhiều nhà vườn sử dụng phân bón hữu cơ, giam sử dụng hoá chất và thuốc trừ sâu, áp dụng hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước. Đặc biệt, hiện Ninh thuận đã được cấp 37 mã số vùng trồng (15 mã số vùng trồng xuất khẩu và 22 số mã vùng trồng nội địa), với diện tích trên 235 ha", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng chia sẻ.
Về quy hoạch chăn nuôi, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, việc tận dụng phụ phẩm nông nghiệp được thực hiện phổ biến, như: thân cây bắp, rơm, đậu lạc… sản xuất thành thức ăn chăn nuôi; mô hình xử lý chất thải thành khí sinh học, nuôi trùn quế, áp dụng vi sinh, chế biến phân vi sinh. Các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo chuỗi giá trị, chăn nuôi an toàn sinh học; quy hoạch khu công nghiệp chăn nuôi, thu hút chăn nuôi. Và hiện Ninh Thuận đã được nhiều nhà đầu tư quan tâm nếu tập trung khả năng lây nhiễm trong trại, chúng tôi đặt ra giải pháp trong quy hoạch để kiểm soát vấn đề này.
Về thủy sản, Ninh Thuận và Bình Thuận là 2 tỉnh thủy sản trung tâm giống lớn nhất cả nước. Hướng đi là trung tâm giống chất lượng cao nhất cả nước với hàng chục nghìn tỷ/năm. Triển khai mô hình nuôi thuỷ sản áp dụng đồng bộ, sử dụng giống sạch bệnh, giống có lợi thế và sử dụng biện pháp phòng trừ dịch bệnh thân thiện với môi trường mang lại hiệu quả cao; nuôi trồng thuỷ sản đã trú trọng tới phát triển các vùng, mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là nuôi tôm giống áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường.
Về định hướng phát triển nông nghiệp và nông nghiệp xanh, quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2050 xác định nhiều thuận lợi để làm sao Ninh Thuận là miền đất hội tụ nhiều điều khác biệt. Ninh Thuận có những cây con mà vùng khác không có, hoặc không bằng. Ví dụ măng tây, nhờ lượng mưa ít nên 300 ha măng tây cung ứng cho cả nước.
"Nông nghiệp công nghệ cao thân thiện thích ứng ưu tiên một số cây, con chủ lực. Do đó, mong muốn của Ninh Thuận sẽ kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm, triển khai các dự án nông nghiệp phát triển theo hướng chất lượng chuyển dịch mạnh hướng tới xuất khẩu một số sản phẩm. Đặc biệt, Ninh thuận có một số dự án ưu tiên, sản xuất theo hướng an toàn hữu cơ, xây dựng chứng chỉ carbon rừng, hỗ trợ hợp tác sản xuất để hình thành các vùng nguyên liệu xanh. Hỗ trợ nghiên cứu dự báo thị trường trong nước gắn với thị trường nước ngoài để phát triển một số cây con đặc thù, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư quan tâm", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chia sẻ thêm.