Được sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP HCM tổ chức chương trình: Diễn đàn Thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp xanh 2024.
Tham dự Diễn đàn có ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận; Ông Phạm Văn Trọng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang; Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI chi nhánh TP Hồ Chí Minh; Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT TP. HCM; Ông Huỳnh Tất Đạt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp; Ông Nguyễn Hà Lộc – Phó Giám đốc Sở NNNT tỉnh Lâm Đồng; Ông Nguyễn Văn Phụng – nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế; Ông Trần Chí Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistic Việt Nam (VLA); Ông Phạm Đình Dũng - Trưởng Ban, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP HCM; Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân TP. HCM; Ông Trương Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận; Ông Nguyễn Quang Hòa, Phó GĐ Trung tâm Xúc đầu tư TM và DL Bình Phước; Ông Ngô Xuân Chinh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp; GS. TS. Dương Nguyên Khang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Khoa học Công nghệ, Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh; TS. Phạm Thanh Duy - Phó Giám đốc Trung tâm phát triển nông thôn Saemaul Undong; Ông Huỳnh Thái Nguyên, PGĐ Công ty Nông nghiệp hữu cơ OAU…
Về phía ban tổ chức có sự tham dự của Nhà báo Phạm Hùng – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp
Diễn đàn còn có sự tham gia của đại diện các hiệp hội ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp địa phương, một số doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Minh Dũng - Chủ tịch Hội nông dân TP.HCM cho rằng, phát triển nông nghiệp xanh là xu hướng tất yếu. Hội Nông dân TP.HCM đã tập trung vận động hội viên thực hiện các phong trào như xây dựng nông thôn mới, phát triển giống cây nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Thành phố.
Đặc biệt, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 1589/QĐ-UBND ngày 29/12/2023 phê duyệt kế hoạch triển khai chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2030; xác định phát triển nông nghiệp gắn với nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, gắn với nhu cầu thị trường được coi là định hướng phát triển quan trọng trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững; đặt ra những mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp TP bền vững hướng đến công nghệ cao, những hướng đi cụ thể để hướng đến nông nghiệp xanh, bao gồm: việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, khuyến khích nghiên cứu và phát triển các công nghệ nông nghiệp tiến tiến, cũng như hỗ trợ tài chính cho nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp.
Ông Lê Minh Dũng cho rằng, phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học là hướng đi tất yếu khi quỹ đất nông nghiệp của TP.HCM ngày càng bị thu hẹp. Bên cạnh đó, TP HCM còn nghiên cứu, chuyển giao các mô hình hình nông nghiệp tiên tiến; nghiên cứu, lai tạo giống cây trồng, vật nuôi mới.
"TP.HCM cũng chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao để tạo tiền đề thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Và đến nay, TP.HCM đã có 87ha đất trong Khu nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, trong khu công nghiệp này đã hoàn thiện hạ tầng và được lấp đầy. Hiện TP.HCM tiếp tục đề xuất chủ trương mở rộng", ông Dũng thông tin.
Về chính sách ưu đãi vốn, theo Chủ tịch Hội nông dân TP.HCM, thành phố hiện đang triển khai các chương trình hỗ trợ tài chính đặc biệt nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh. Ví dụ, các chương trình hỗ trợ về chi phí mua sắm trang thiết bị công nghệ cao, chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, chi phí nghiên cứu phát triển (R&D) với khoản vay không lãi suất hoặc có mức lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất thị trường; thời hạn vay kéo dài từ 3 năm đến 10 và tuỳ thuộc vào mô hình, laoij hình dự án để hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp; giới thiệu nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp tiếp cận các hình thức hỗ trợ tài chính khác thông qua hoạt động đầu tư.
Về chính sách thúc đẩy hợp tác và liên kết, ông Dũng cho biết, thành phố khuyến khích, tăng cường liên kết giữa các HTX, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu để chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong việc phát triển nông nghiệp xanh, bền vững và ứng dụng công nghệ cao. Liên kết giữa các HTX để chia sẻ với nhau máy móc, thiết bị và công nghệ mới, hỗ trợ kiến thức kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý và nguồn nhân sự để tối ưu hoá chi phí và hiệu quả sử dụng; giúp tăng cường sức mạnh đàm phán với các nhà cung cấp để giảm chi phí đầu vào và nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường tiêu thụ.
"Liên kết giữa doanh nghiệp với các HTX để có thể đầu tư, cung cấp vốn và hỗ trợ kỹ thuật để phát triển các dự án nông nghiệp xanh; ứng dụng các công nghệ mới giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm; giúp các HTX tiếp cận với các thị trường lớn hơn, gao gồm: xuất khẩu thông qua mạng lưới phân phối và kênh tiếp thị chuyên nghiệp. Liên kết giữa các tổ chức với các HTX để hỗ trợ phát triển các cây giống, cây trồng mới, các phương pháp canh tác tiến tiến và công nghệ bảo quản hiện đại; cung cấp khóa đào tạo, hội thảo tư vấn kỹ thuật cho nông dân và cán bộ HTX và có thể được ứng dụng trực tiếp vào thực tiễn sản xuất, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm", Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM chia sẻ thêm.