Theo đại diện Ban tổ chức, triển lãm Vietfood & Beverage – Propack Vietnam 2024 thu hút 1.200 gian hàng thuộc 900 doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia, tăng 40% về quy mô so với năm 2023. Trong đó, gần 50% là nhóm hàng lương thực, thực phẩm chế biến. Gần 30% nhóm doanh nghiệp ngành công nghệ, bao bì. Còn lại là nhóm hàng doanh nghiệp gia vị, trang thiết bị công nghệ chế biến, bao bì đóng gói, nhãn mác thực phẩm và đồ uống…
Đại diện Ban tổ chức cũng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia triển lãm có 2 mục tiêu, thứ nhất là mong muốn được gặp gỡ các doanh nghiệp mua hàng từ nước ngoài với các sản phẩm nông sản xuất khẩu; thứ hai là mong muốn phát triển thị trường trong nước.
Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cho biết, hiện nay, các thị trường xuất khẩu của ngành lương thực thực phẩm đang có rất nhiều thay đổi về nhu cầu. Các mặt hàng xuất khẩu luôn được khách hàng yêu cầu gia tăng về tính bền vững, một số hàng vi tiêu cùng đặc biệt cũng đã có sự thay đổi. Do đó, các doanh nghiệp luôn phải theo sát, nghiên cứu kỹ các thị trường để xuất khẩu hàng hóa đến các quốc gia trên thế giới.
“Ngành lương thực thực phẩn của TP.HCM hiện nay đã có đơn hàng xuất khẩu đến 180 quốc gia trên thế giới. Do đó, triển lãm này không ngoài mục đích quảng bá sản phẩm đến khách hàng mà còn là cơ hội mở rộng thị trường, giao thương với các đối tác, khách hàng tiềm năng trên thế giới”, bà Chi đánh giá.
Bà Lý Kim Chi cũng cho rằng, trong năm 2024, ngành lương thực thực phẩm phải đối diện với nhiều vấn đề lớn về chính sách, có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp trong ngành. Đầu tiên là quy định về bổ sung vi chất dinh dưỡng là Iốt và muối vào nhóm hàng lương thực thực phẩm chế biến. Bà Chi đánh giá, đây là quy định bất cập, tốn kém và thiếu công bằng đối với cả doanh nghiệp và người tiêu dùng; thứ hai là liên quan đến quy định về cấm nồng độ cồn cũng đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp sản xuất đồ uống có cồn; và thứ ba là quy định áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với đồ uống có đường.
Riêng đối với thuế TTĐB với đồ uống có đường, theo bà Chi, hiện nay thói quen tiêu dùng của người dân đối với các sản phẩm đồ uống có đường không thể bỏ được trong ngày 1, ngày 2, nên nếu áp dụng ngay, buộc các doanh nghiệp phải chuyển đổi sản phẩm và để các sản phẩm mới quen với khẩu vị và được người tiêu dùng chấp nhận thì cần một thời gian rất dài. Thậm chí, doanh nghiệp sẽ mất một số thị trường do người tiêu dùng không quen sử dụng các sản phẩm nước giải khát không đường.
“Tôi cho rằng, có những vấn đề trong tương lai chúng ta vẫn phải làm, nhưng cần phải có những khảo sát cụ thể và ở phạm vi rộng, từ đó đưa ra những bằng chứng. Cần phải có những nghiên cứu cụ thể về những tác động của chính sách đối với doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng như thế nào trước khi đưa vào áp dụng trong thực tiễn”, bà Lý Kim Chi chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề "xanh hóa" trong các doanh nghiệp ngành thực phẩm đồ uống, bà Lý Kim Chi cho rằng, xanh hóa là một trong những tiêu chuẩn bắt buộc khi các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa đến nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, châu Âu.
Bà cho biết, Hiệp hội cũng đã phát đi cảnh báo đối với các doanh nghiệp là trong năm 2025 nếu có một số nhóm hàng xuất khẩu mà doanh nghiệp không có một vài chỉ tiêu xanh hóa thì hàng hóa đó chắc chắn sẽ bị dừng lại và không được nhập khẩu vào một số nước. Đây là một báo động đối với các doanh nghiệp xuất khẩu và cũng là tình hình chung trên toàn thế giới.
Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, ngoài các doanh nghiệp lớn, việc làm thế nào để lãnh đạo các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiểu được như thế nào là xanh cũng là một vấn đề nan giải. Khi các doanh nghiệp đã hiểu được các tiêu chí về xanh rồi thì lại đối diện với một khó khăn lớn hơn đó là vốn để thực hiện chuyển đổi xanh. Đây cũng là một bài toán lớn nhất đối với các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm đồ uống.
“Về phía hiệp hội, chúng tôi cũng đã có những kiến nghị với Chính phủ và ngành ngân hàng có những hỗ trợ về nguồn vốn cho doanh nghiệp khi đầu tư vào vấn đề xanh hóa. Đồng thời, phải giúp các doanh nghiệp hiểu rõ như thế nào là xanh hóa, phải bắt đầu từ đâu, cải tạo những gì, sản xuất phải giảm phát thải và khí thải ra sao, bao bì dùng như thế nào cho thân thiện với môi trường…Đây là cả một quá trình mà nếu không có sự tham gia của các bộ ngành, các địa phương thì doanh nghiệp sẽ đi rất chậm cho mục tiêu này”, bà Lý Kim Chi chia sẻ thêm.
Triển lãm chính thức diễn ra từ ngày 8 – 10/8/2024 tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (SECC) – 799 Nguyễn Văn Linh, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh. Triển lãm với diện tích trưng bày lên đến 36.000 m2 với 1.200 gian hàng, quy tụ 900 doanh nghiệp đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, dự kiến thu hút hơn 25.000 lượt khách tham quan; đây là những con số ấn tượng sẽ làm nên dấu ấn khác biệt của Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Thực phẩm – Đồ uống & Thiết bị Công nghệ chế biến, bao bì thực phẩm, đồ uống lần thứ 28 - Vietfood & Beverage – Propack Vietnam 2024. |