Nhọc nhằn ứng phó với mưa
Đại diện Công ty cổ phần thủy điện Nước Trong cho biết, trong thời gian từ đầu tháng 3/2023 đến nay, các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ (được huy động theo cơ chế chi phí tránh được) khu vực miền Trung thường xuyên bị tiết giảm công suất do phát vượt công suất theo hợp đồng mua bán điện đã ký kết và theo giấy phép hoạt động điện lực cũng như giấy phép khai thác nước mặt. Việc này gây ra nhiều khó khăn cho công tác vận hành và thiệt hại về kinh tế cho các nhà máy thủy điện nhỏ. Các nhà máy buộc phải chủ động phát điện thấp hơn công suất thiết kế để đảm bảo không bị sa thải khi công suất tăng đột biến mà không lường trước được.
Nguyên nhân của việc phát vượt công suất, chủ yếu là các nhà máy bám biên công suất tối đa của các tổ máy phát điện, nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế phát điện, do vậy khi có lưu lượng nước về hồ chứa nhà máy tăng đột ngột dẫn đến công suất phát của tubin cao hơn công suất thiết kế. “Việc phát vượt công suất là nguyên nhân khách quan, do yếu tố thời tiết, các nhà máy hoàn toàn không tự ý phát vượt công suất”, lãnh đạo Nước Trong cho biết.
Dẫn trường hợp của một doanh nghiệp trong Hiệp hội doanh nghiệp thủy điện miền Trung – Tây Nguyên, đại diện thủy điện Nước Trong kể, vào lúc 09h00, ngày 30/5/2023, nhà máy đã phát vượt công suất so với công suất lắp máy 3.607KW/3.600KW (tức vượt 7KW). Vì lý do này, nên lúc 05h12 phút ngày 31/5/2023, nhà máy đã bị Công ty Điện lực Kon Tum sa thải, không huy động công suất.
Tính đến 15h42 phút ngày 31/5/2023, sau khi nộp văn bản báo cáo giải trình về việc phát vượt công suất và cam kết không tái phạm, nhà máy mới được huy động công suất trở lại; thời gian phát điện bị gián đoạn tới 10h30 phút. Việc phát vượt vô tình vài kWh trên khiến nhà máy thiệt hại lớn và sau đó phải thường xuyên phát dưới công suất thiết kế để tránh bị “tuýt còi”.
Đây là tình trạng chung ở nhiều doanh nghiệp thủy điện khác, gây lãng phí xót xa trong bối cảnh cả nước bị thiếu điện, phải tiết kiệm điện.
Theo phân tích của lãnh đạo CTCP thủy điện Trà Bồng, thủy điện vừa và nhỏ (công suất dưới 30MW) thường không có hồ chứa hoặc lòng hồ rất nhỏ nên khi có mưa lớn là nước thường xuyên qua tràn xả thừa khi phát điện ở giờ thấp điểm cũng như giờ cao điểm. Do đó, khi không cho các nhà máy phát vượt công suất tối đa, rất lãng phí nguồn nước.
Lý giải về nguyên nhân của việc phát vượt công suất, vị đại diện doanh nghiệp phân tích kỹ hơn, công suất phát điện của nhà máy tăng hay giảm phụ thuộc chủ yếu vào hai yếu tố chính là cột nước phát điện và lưu lượng qua các tổ máy. Cụ thể, công suất lắp máy thông thường được thiết kế theo cột nước thiết kế Htt (cột nước thiết kế được xác định khi mực nước hồ ở Mực nước chết vẫn phát đủ công suất lắp máy) và Lưu lượng thiết kế (Qmax) thường được lựa chọn từ 2 đến 3 lần lưu lượng bình quân năm Qo của nhà máy là lưu lượng cần thiết để phát được công suất lắp máy Nlm ở cột nước thiết kế Htt.
“Thông thường các nhà cung cấp thiết bị thường thiết kế tuabin với lưu lượng lớn hơn Qmax để dự phòng cho hiệu suất của thiết bị. Thiết bị tổ máy của nhà cung cấp thường có khả năng phát vượt công suất đến 20% khi có cột nước phát điện và lưu lượng qua tổ máy lớn hơn giá trị thiết kế”, đại diện Trà Bồng cho biết.
Trong khi đó, thực tế vận hành nhiều thời điểm mực nước hồ cao hơn mực nước chết nên cột nước phát điện sẽ lớn hơn cột nước thiết kế, dòng chảy tự nhiên đến hồ chứa thay đổi theo ngày và mùa, nhất là trong mùa lũ lưu lượng về hồ nhiều thời đoạn có lưu lượng lớn hơn Lưu lượng phát điện thiết kế Qmax, vào các thời điểm này lưu lượng thừa sẽ được xả qua công trình tràn tháo lũ trả về sông thiên nhiên. Như vậy trong quá trình vận hành sẽ có nhiều thời đoạn cột nước phát điện và lưu lượng nước về hồ lớn hơn giá trị thiết kế nên đây là những thời điểm có thể phát điện vượt công suất lắp máy từ 0%-20%, nếu nhà máy không phát vượt công suất thì lượng nước thừa sẽ được xả thừa qua đập tràn.
Khi lưu lượng nước về nhiều nếu không tận dụng sẽ phải xả tràn, do đó để tránh lãng phí tài nguyên nước, các nhà máy thường mở tối đa các cánh hướng để hấp thu được nhiều lưu lượng, tăng công suất phát điện, việc này là hoàn toàn phù hợp với chế độ vận hành theo tình hình thời tiết, thuỷ văn.
Lãng phí và thất thu ngân sách
Phân tích về mức độ thiệt hại của các NMTĐ và việc Nhà nước bị thất thu thuế do các NMTĐ không được phép phát vượt công suất gây ra, lãnh đạo Công ty TNHH MTV năng lượng Sovico Quảng Ngãi cho biết, chi phí đầu tư thời điểm này vào khoảng 35-38 tỷ đồng/1MW. Bình quân mỗi MW sẽ phát được 3.500 đến 3.800 giờ một năm, tức là bình quân mỗi MW sẽ làm ra sản lượng điện 3,5 đến 3,8 triệu kWh trong một năm (cá biệt sẽ có các nhà máy phát được 5.000 giờ/năm, số nêu trên là bình quân chung phổ biến của các NMTĐ).
Giá bán điện có giờ cao điểm, trung bình và thấp điểm nhưng bình quân cả năm, giá bán điện của các nhà máy thủy điện nhỏ khoảng 1.110-1.150 đồng/1KW, trong khi giá mua điện than hay khí bình quân từ 1.900 đến 2.200 đồng/KW và giá điện năng lượng tái tạo cũng 1.950-2.200 đồng/1KW. Như vậy, so về giá, giá thuỷ điện là rẻ nhất! Tức là mỗi MW từ công suất lắp máy sẽ mang lại doanh thu 4-4,5 tỷ đồng trong 1 năm và như vậy mỗi MW sẽ nộp VAT vào ngân sách 400-450 triệu đồng/năm.
Từ phân tích trên, vị lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định, NMTĐ nào công suất lớn sẽ nộp nhiều, công suất nhỏ sẽ nộp ít, chưa kể còn phải nộp tiền “cấp quyền khai thác nước mặt” mỗi năm một lần tùy theo công suất nhà máy, và mỗi KW sản lượng trên hóa đơn bán điện cũng nộp thuế Tài nguyên nước và phí Môi trường rừng. “Tức là nhà nước thu được thuế VAT, thuế tài nguyên nước và phí dịch vụ môi trường từ sản lượng các NMTĐ là rất lớn. Vì thế việc các NMTĐ phát vượt công suất tối đa không những không bị ảnh hưởng gì mà còn mang lại lợi ích kinh tế cho cả doanh nghiệp và Nhà nước”, đại diện doanh nghiệp nói.
Theo tính toán sơ bộ, các NMTĐ vừa và nhỏ không tận dụng được nguồn nước mưa như hiện nay có thể thiệt hại 2-5 tỷ đồng/năm; còn nhà nước thất thu một khoản thuế lớn từ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT và thuế tài nguyên nước.
Số liệu của Hiệp hội doanh nghiệp thủy điện Việt Nam cho thấy, tính đến tháng 11/2022, có trên 400 nhà đầu tư đã đầu tư trên toàn hệ thống điện quốc gia, với khoảng 457 NMTĐ nhỏ có công suất khoảng 4.698 MW. Trung bình hàng năm, hòa lưới điện khoảng 17 tỷ kWh điện cho hệ thống điện quốc gia (chiếm khoảng 8% sản lượng điện toàn hệ thống năm 2021) nên với quy định hiện nay sẽ gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho các nhà đầu tư và Nhà nước.
“Mong muốn của các doanh nghiệp là kiến nghị EVN và Chính phủ tạo điều kiện để các NMTĐ vừa và nhỏ huy động công suất nhà máy theo cơ chế chi phí tránh được để tận dụng nguồn nước dồi dào mùa mưa, đảm bảo tăng cung cấp nguồn điện trong hoàn cảnh một số nơi xảy ra thiếu điện”, Công văn của Hiệp hội Doanh nghiệp thủy điện Việt Nam gửi EVN, Bộ Công Thương đề nghị.
Khoản 1, Điều 79 Thông tư 40/2014/TT-BCT quy định “trừ trường hợp xảy ra quá tải hoặc ảnh hưởng đến an ninh hệ thống điện, cho phép nhà máy điện được huy động theo cơ chế chi phí tránh được, được tự điều khiển phát công suất tác dụng”. Như vậy, có căn cứ để cho phép các nhà máy thủy điện phát vượt công suất.
Trên thực tế, việc phát vượt công suất đã được tính toán trong Báo cáo kinh tế khả thi của dự án, đã được các cấp quản lý nhà nước thẩm định phê duyệt, mức phát vượt từ 10% – 20% so với công suất thiết kế.
Thông báo số 185/TB-VPCP ngày 19/5/2023 kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo cung ứng điện mùa khô năm 2023 tại Mục 2 khoản 2 cũng nêu rõ: “EVN thực hiện các giải pháp phù hợp để khai thác hiệu quả nhất các nguồn thủy điện vì lợi ích tổng thể quốc gia”.
“Tại thời điểm về mùa mưa như hiện nay giá điện của các Dự án thủy điện vừa và nhỏ chỉ có 706 đồng/1KW điện mà không được phát vượt trong khi các nguồn khác như điện gió, mặt trời, nhiệt điện và điện khí giá lại rất cao từ 1.800 đồng đến 4.600 đồng cho 1KW điện. Đây là một sự lãng phí và cũng góp phần dẫn đến việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ lớn và đẩy giá bán điện cho người dân lên cao”, đại diện thủy điện Nước Trong nêu quan điểm.
Cho rằng đề xuất của các nhà máy thủy điện là hợp lý, ngày 18/7/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có Văn bản số 4115/EVN-TTĐ gửi Bộ Công Thương đề nghị Bộ cho ý kiến về chủ trương và hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ vướng mắc theo đề nghị của các nhà máy thủy điện. Tuy nhiên, cho đến nay kiến nghị của các doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết.