Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Độ cho biết: Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững cũng như chuyển dịch mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, từ hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp sang hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao hơn, hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh trong thập niên thứ 3 của thế kỷ 21 cũng được điều chỉnh theo hướng chủ động, tích cực, trọng tâm, trọng điểm tập trung vào những ngành nghề, lĩnh vực mũi nhọn, trên cơ sở hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với các đối tác đầu tư chiến lược.
3 lĩnh vực “sáng” hút FDI
Theo đó, tỉnh đã phê duyệt Đề án thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 theo quyết định số 822/QĐ-UBND ngày 17 tháng 4 năm 2023. Các mục tiêu cụ thể đặt ra trong Đề án là thu hút thêm vốn đầu tư từ khu vực FDI từ 2,0-2,5 tỷ USD, từ khu vực DDI từ 20-25 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt Đề án đưa ra định hướng cụ thể đối với từng lĩnh vực, chuỗi ngành cung ứng ưu tiên thu hút đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2023-2030, trong đó cơ khí, ô tô, xe máy là những ngành trọng tâm.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Độ cho hay, Vĩnh Phúc cũng được coi là thị trường tiềm năng, đặc biệt cho những doanh nghiệp hiện đã và đang tham gia được vào chuỗi cung ứng xe máy, ô tô.
Ngành công nghiệp ô tô trong tỉnh hiện có 3 doanh nghiệp lớn, đầu chuỗi sản xuất, láp ráp xe ô tô là Toyota, Honda và Daewoo Bus. Trong các lĩnh vực cung ứng cho sản xuất, láp ráp ô tô gồm: cụm vỏ xe; cụm khung gầm xe; cụm động cơ; linh kiện kim loại; linh kiện nhựa, cao su; linh kiện điện tử… Vĩnh Phúc chưa có doanh nghiệp FDI nào đầu tư lĩnh vực này.
Tuy nhiên một số doanh nghiệp DDI Vĩnh Phúc cũng đã tham gia chuỗi cung ứng máy nông nghiệp và cơ khí chế tạo của các Công ty FDI tại các địa phương khác với một số loại sản phẩm: linh kiện kim loại (bulong, ốc vít và một số sản phẩm kim loại đột dập khác); bộ truyền động, các sản phẩm liên quan đến động cơ; sản phẩm đúc nhôm áp lực…
Vĩnh Phúc có thể coi là trung tâm của công nghiệp xe máy trên toàn quốc, với sự có mặt của 2 doanh nghiệp FDI lớn là Honda Việt Nam và Piaggio Việt Nam. Chuỗi cung ứng xe máy đã được hình thành với nhiều lớp cung ứng, trong đó các doanh nghiệp nội địa cũng đã có mặt ở tất cả các lớp cung ứng.
Mặc dù theo đánh giá chung, thị trường xe máy đang bắt đầu bão hòa, tuy nhiên do dung lượng lớn, dư địa còn nhiều nên nhu cầu tìm kiếm, mở rộng, phát triển chuỗi cung ứng vẫn được các doanh nghiệp đầu chuỗi ưu tiên trong thời gian tới. Các lĩnh vực cung ứng cho công nghiệp xe máy gồm: Cụm động cơ; linh kiện kim loại; linh kiện nhựa, cao su; linh kiện điện tử; khuôn, dụng cụ, đồ gá, …
Đáng lưu ý, Vĩnh Phúc sẽ đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư trong lĩnh vực ô tô, xe máy điện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững phù hợp với xu hướng chung của thế giới là trung hòa carbon, giảm khí thải từ ngành vận tải. Thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực sản xuất và phụ trợ xe điện và từng bước trở thành một “Trung tâm sinh thái sản xuất ô tô hàng đầu ở khu vực phía Bắc”.
Tiếp tục hỗ trợ chặt chẽ với Toyota và Honda triển khai các kế hoạch thay thế dòng xe chạy nhiên liệu hóa thạch bằng các dòng xe chạy điện.
Chủ động tiếp cận các tập đoàn và nhà đầu tư Trung Quốc như CATL, BYD, CALB, Guoxuan, Sunwoda, Svolt đang chi phối thị trường sản xuất pin sạc điện công suất cao toàn cầu và có động lực chuyển dịch sản xuất theo chiến lược Trung Quốc +1 để tránh các tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại cũng như đứt gãy chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản như LG Energy Solution, Panasonic, SK On và Samsung SDI, là các nhà đầu tư có thị phần pin sạc điện công suất cao khá lớn (sau các doanh nghiệp Trung Quốc).
Hiện thực hóa thu hút đầu tư
Để tiếp tục thu hút đầu tư trong và ngoài nước, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Độ chia sẻ: Tỉnh Vĩnh Phúc luôn nỗ lực nâng cao chất lượng điều hành của chính quyền các cấp, trong đó chú trọng công tác cải cách hành chính, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, đặc biệt các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư chiến lược đang quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Vĩnh Phúc.
Đồng thời, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư được hưởng ưu đãi khi đầu tư vào Vĩnh Phúc có tính cạnh tranh so với các quốc gia khác, địa phương khác, tỉnh nghiên cứu xây dựng cơ chế vận động chính sách ở các Bộ ngành Trung ương nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất, trong đó có lĩnh vực thu hút đầu tư nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội.
Cùng với đó, xây dựng một số gói ưu đãi cho đối với từng nhà đầu tư, từng lĩnh vực cần thu hút đầu tư (đặc biệt khuyến khích đầu tư). Tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai với thời gian nhanh nhất theo quy định của pháp luật. Chuẩn bị sẵn quỹ đất, cũng như quyết liệt trong chỉ đạo giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất để sẵn sàng đón nhận các dự án đầu tư; hỗ trợ giải quyết những vấn đề về lao động cho doanh nghiệp như đào tạo, tuyển dụng lao động.
Bên cạnh các ưu đãi về thuế, tiếp cận đất đai và hạ tầng kỹ thuật, các giải pháp khác bổ sung để thu hút được các tập đoàn đa quốc gia, các công ty lớn đầu tư trên địa bàn tỉnh, như phát triển hạ tầng xã hội để đáp ứng nhu cầu sinh sống lâu dài của người lao động, chuyên gia.
“Mặt khác tạo điều kiện phát triển công nghiệp và dịch vụ phụ trợ, KHCN và môi trường đổi mới sáng tạo; củng cố khả năng liên kết giữa hoạt động sản xuất đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt trên địa bàn tỉnh…” Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Độ nhấn mạnh.