Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường EU ước đạt 29,4 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm nay. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu giảm 8,3% nhưng EU vẫn là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, sau Mỹ và Trung Quốc.
Xuất khẩu hàng hoá từ Việt Nam sang EU có sự tăng trưởng, kể cả trong thời điểm dịch COVID-19, được các chuyên gia nhận định, do tác động tích cực của hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), đưa EU trở thành một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Bên cạnh việc gia tăng giá trị và sản lượng xuất khẩu hàng hoá, việc thực thi hiệp định là cơ hội để doanh nghiệp xuất khẩu và chuỗi cung ứng thay đổi tổ chức sản xuất theo hướng tích cực hơn, tuân thủ tốt hơn các yêu cầu phát triển bền vững để nâng cao giá trị xuất khẩu và năng lực cạnh tranh. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, EU là thị trường có yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hoá cao và khắt khe.
Ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) thông tin, EVFTA không phải hiệp định thương mại thông thường. Đây là hiệp định thiên nhiều về phát triển bền vững vì EU rất coi trọng vấn đề này. Do đó, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang EU cần hết sức quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững, vấn đề môi trường và vấn đề lao động.
Tuy nhiên, EVFTA cũng là một hiệp định đầu tiên có một cơ chế thực thi khá rõ ràng. Hai bên đồng ý thiết lập Ủy ban về phát triển bền vững với đại diện của Chính phủ, cơ quan quản lý. Hàng năm hoặc định kỳ hai bên thường xuyên gặp gỡ để rà soát tiến trình thực thi của hai phía, trong đó chia sẻ những kinh nghiệm, nêu ra các vấn đề cần xử lý.
Ngoài các quy định, tiêu chuẩn được đề cập trong EVFTA, tại thị trường châu Âu, người tiêu dùng – khách hàng đích của doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng ngày càng quan tâm và mua sắm nhiều hơn các sản phẩm bền vững, xanh, thân thiện với môi trường. Khách hàng quan tâm đến cách thức sản xuất của doanh nghiệp, quan tâm đến việc các sản phẩm bày bán trên thị trường có ảnh hưởng đến môi trường hay không, đối xử người lao động như thế nào…
Đây là vấn đề doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý – ông Ngô Chung Khanh lưu tâm và cho biết, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh là thách thức với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhưng ngược lại, thực thi hiệu quả, quan tâm yếu tố phát triển bền vững sẽ giúp cho doanh nghiệp nâng tầm giá trị, định hướng xây dựng các thương hiệu…
Thông tin thêm, ông Ngô Chung Khanh cho biết, thị trường EU, Mỹ, Canada, Anh… mang lại khoản thặng dư thương mại rất lớn trên 100 tỷ USD cho kinh tế Việt Nam. Con số này cho thấy, ở thị trường có nhiều tiêu chuẩn khó sẽ có cơ hội mang lại lợi nhuận cao, giá trị lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, phát triển bền vững là yêu cầu bắt buộc; quan tâm đến phát triển bền vững còn là một yếu tố rất quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam dần dần xây dựng được giá trị thương hiệu. Đây quả là câu chuyện rất khó, nhưng không phải không làm được. Đi theo con đường này, giá trị lợi nhuận, đồng tiền chúng ta mang về nhiều hơn. Ví dụ, thay vì chỉ nhận được 10 đồng xuất khẩu, phát triển bền vững, phát triển thương hiệu chúng ta có thể mang về đến từ 70 – 80 đồng.
Để làm được điều này, doanh nghiệp cần được hỗ trợ nhưng trước hết, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức. Hiện có quan điểm cản trở các doanh nghiệp e ngại chuyển đổi xanh chính từ việc doanh nghiệp cho rằng, xanh hoá cần nhiều chi phí, tốn kém. Nhưng thực tế, chuyển đổi xanh bắt đầu từ những khâu không cần chi tiền ngay.
Đó là rà soát lại quy trình sản xuất xem có các vấn đề gì liên quan môi trường, lao động hay không để có định hướng chuyển đổi. Sau đó, khi đưa công nghệ để chuẩn hóa quy trình, doanh nghiệp mới cần rót chi phí. Tuy nhiên, ít ra doanh nghiệp phải bắt đầu hành động thì mới có thể chuyển đổi. Ông Ngô Chung Khanh cho rằng, nếu không chủ động hành động, không cần chờ đến dài hạn mà ngay trung hạn, doanh nghiệp xuất khẩu khá chật vật để giữ thị trường.