Mới đây, Navigos Group vừa công bố Báo cáo Thực trạng Nhân sự ngành Sản xuất 2023. Để có thêm góc nhìn về nhu cầu tuyển dụng công nhân điện tử tại các doanh nghiệp phía Bắc tăng vọt trong thời gian vừa qua, bà Trần Thị Hoàn – Phó Giám đốc Navigos Search miền Bắc và ông Nguyễn Tiến Chung – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH TERMO Việt Nam đã có cuộc trò chuyện thú vị.
Bà Trần Thị Hoàn – Phó Giám đốc Navigos Search miền Bắc: Đợt tuyển dụng hàng loạt vừa rồi của một vài công ty điện tử lớn có phải là đợt tuyển thường niên cho đợt cao điểm cuối năm không? Có nguyên nhân nào khác dẫn đến việc một số công ty điện tử lớn tại Bắc Ninh và Bắc Giang tuyển hàng loạt như vậy vào thời điểm thị trường đang đi xuống? Ngoài một vài công ty lớn này, anh thấy phần lớn công ty điện tử khác ở miền Bắc hiện có tuyển công nhân nhiều không?
Ông Nguyễn Tiến Chung – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH TERMO Việt Nam: Dựa trên các số liệu báo cáo về tình hình xuất nhập khẩu hoặc chỉ số quản lý thu mua trong 7 tháng đầu năm, chúng ta có thể thấy thị trường sản xuất có xu hướng giảm theo cùng với sự suy giảm chung của nền kinh tế. Trong 7 tháng đầu năm, ngành sản xuất Điện tử, máy tính, linh kiện chỉ đạt được 30,7 tỷ đô, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái, và ngành điện thoại linh kiện, chỉ đạt được 27,8 nghìn đô, giảm sâu đến 18%.
Bên cạnh đó, đợt tuyển dụng lớn hàng năm của ngành sản xuất thường rơi vào khoảng 6 tháng cuối năm. Đợt tuyển dụng hàng loạt gần đây (cụ thể trong 6 tháng đầu năm) của một vài công ty lớn trong ngành có thể được xem là đến từ các dự án mở rộng đầu tư của công ty hoặc quốc gia đó tại Việt Nam thay vì mang tính khái quát đại diện cho thị trường. Cụ thể, một nhà máy điện tử lớn của Đài Loan đang tuyển dụng để chuẩn bị mở Nhà máy mới, và một công ty điện tử lớn của Trung Quốc tuyển dụng để phục vụ cho các đơn hàng tăng. Một lý do khác có thể kể đến đó là dựa trên tình hình chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam (liên quan đến các chính sách và thực tế kiểm soát sản xuất tại Trung Quốc về Covid và các vấn đề khác).
Bà Trần Thị Hoàn: Một năm vừa qua, hàng nghìn công nhân ngành điện tử đã nghỉ hoặc mất việc. Những công ty điện tử trên có gặp khó khăn gì khi tuyển hàng loạt người vào đợt này không? Như theo bài báo trên VnExpress, nhiều người ứng tuyển lần này thuộc diện lớn tuổi hơn, và họ là những người chuyển từ ngành dệt may sang, gây khó khăn ban đầu trong việc đào tạo lại. Anh có nhận thấy điều tương tự không?
Ông Nguyễn Tiến Chung: Các công ty sản xuất nói chung, cũng như ngành điện tử nói riêng, hiện chưa chứng kiến khó khăn trong việc tuyển dụng công nhân trong giai đoạn từ năm ngoái đến năm nay. Cụ thể, các công ty này đang thực hiện tuyển dụng với yêu cầu đơn giản, thời gian đào tạo ngắn thông qua các kênh cung ứng lao động, cộng tác viên, các trường cấp 3, trường nghề, TTGDTX cùng với sự hỗ trợ từ phía tỉnh Bắc Giang thu hút lao động các tỉnh xa.
Nhìn chung, khi phải đối mặt với quyết định lay-off, các doanh nghiệp, nhà máy thường sẽ chọn những nhân công lớn tuổi, không đảm bảo được hiệu suất lao động cao (có rất nhiều ở ngành hàng may mặc), để giảm bớt chi phí đầu vào, cần bằng với giá thành sản phẩm mà khách hàng yêu cầu giảm từ 6-10%.
Để dự đoán về tình hình tuyển dụng, tôi cho rằng giai đoạn 6 tháng cuối năm sẽ gặp khó khăn hơn khi tình hình kinh tế cũng trở nên ngày càng khắc nghiệt.
Bà Trần Thị Hoàn: Báo The Wall Street Journal cũng phản ánh là nhiều người trẻ giờ không mặn mà với việc làm ở các nhà máy. Anh có quan sát được điều tương tự đang diễn ra với các nhà máy điện tử ở Bắc Giang, Bắc Ninh không?
Ông Nguyễn Tiến Chung: Nếu nói về tỷ lệ chuyển đổi việc làm ở các nhà máy, đặc biệt ở người trẻ hiện nay, có rất nhiều lý do có thể kể đến như: muốn kinh doanh riêng, muốn chuyển công việc về gần quê nhà, muốn kiếm nhiều tiền hơn bằng cách xuất khẩu lao động… Tuy nhiên, xu hướng thay đổi vẫn chưa được thấy rõ rệt trong ngành sản xuất, đặc biệt ở khối lao động phổ thông. Mặt khác, ý kiến trên vẫn có thể đúng đối với tuyển dụng nhân viên văn phòng trong ngành sản xuất.
Bà Trần Thị Hoàn: Theo anh, các nhà máy điện tử đang làm những gì để thu hút và giữ chân nhiều ứng viên hơn?
Ông Nguyễn Tiến Chung: Với tình hình từ năm 2022 đến nay, khi các nhà máy sản xuất nói chung không gặp quá nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng, đặc biệt là ngành Điện tử. Tuy nhiên, các nhà máy cũng đang thực hiện một vài phương pháp sau để thu hút và giữ chân ứng viên như: Về phương án liên quan tới tài chính, họ thiết kế các chính sách thưởng tuyển dụng (giới thiệu, thưởng nóng cho người đi làm), bổ sung các phụ cấp, quyền lợi cho người lao động, đề xuất mức lương tốt hơn… đồng thời chú trọng hơn các hoạt động chăm sóc người lao động.
Bà Trần Thị Hoàn: Hai công ty điện tử lớn gần đây đều có đầu tư xây dựng nhà máy mới ở Nghệ An. Tại sao các công ty điện tử lớn gần đây chọn Nghệ An là điểm đến, đặc biệt xét về khía cạnh nguồn lao động?
Ông Nguyễn Tiến Chung: Xét về việc tỉnh Nghệ An hiện nay đang được các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy, có thể kể đến một số lý do như sau: Tỉnh Nghệ An hiện nay đã và đang được đầu tư cơ sở hạ tầng mạnh mẽ, được xem là không thua kém so với các khu vực phía Bắc, nơi tập trung đông đúc các nhà máy sản xuất.
Cự ly và thời gian di chuyển giữa Hà Nội – Diễn Châu được rút ngắn bởi đường cao tốc sắp sửa được khánh thành vào đầu tháng 9.
Các cảng biển như Nghi Sơn, Vũng Áng, Cửa Hội đang được đầu tư để trở thành các cảng giao thương chính tại Việt NAm.
Nguồn lao động tại Nghệ An được đánh giá là có tiềm năng khai thác tốt, khi tỉnh Nghệ An và khu vực lân cận có tỷ lệ lao động rất cao, và còn được trải qua đào tạo bởi nhiều doanh nghiệp và nhà máy. Người Nghệ An hiện đang đi làm chủ yếu ở các tỉnh thành xa, số lượng doanh nghiệp lớn tại địa phương chưa nhiều, và cạnh tranh về lực lượng lao động cũng chưa cao.
Chính sách 4 miễn, 9 giảm dành cho các doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp tỉnh Nghệ An cũng được xem là một lợi thế khi lựa chọn tỉnh Nghệ An làm điểm đến.
Thị trường của tỉnh Nghệ An hiện nay, với sự thiếu sót về hệ thống nhà cung cấp đa dạng, được đánh giá tương đồng với thị trường Bắc Ninh của 10 năm trước. Tuy nhiên, với sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp hiện nay đang lựa chọn điểm đến là Nghệ An, thì không lâu nữa thị trường Nghệ An sẽ càng được phát triển hơn, và dự kiến sẽ trở nên sôi động và sầm uất như Bắc Ninh ở thời điểm hiện tại.