Đó là khẳng định của ông Chu Phương Đông, Giám đốc Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Theo ông Đông, trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn do tác động của lạm phát, doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng, nếu doanh nghiệp chỉ tập trung cho lợi ích riêng lẻ, kiểu “mạnh ai người ấy làm” sẽ không tạo nên được sức mạnh tổng hợp. Do đó, việc cộng đồng doanh nghiệp gắn kết với nhau đóng vai trò quan trọng, sẽ nâng cao được thương hiệu và năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường. Khi đó, Hội doanh nghiệp sẽ là “ngôi nhà chung” gắn kết cho cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức.
Chung tay góp sức
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Đồng Hỷ cho rằng, phần lớn các doanh nghiệp của huyện hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các hợp tác xã có quy mô nhỏ, lẻ, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, khai thác khoáng sản, thương mại, dịch vụ tổng hợp… nên khó cạnh tranh và khó tạo nên sức mạnh tổng hợp để đảm nhận các dự án, công trình có quy mô lớn; chưa thể liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước hướng đến phát triển bền vững.
Để giải quyết những khó khăn trên, từ năm 2010 Hội doanh nghiệp huyện Đồng Hỷ được thành lập. Mục đích chính của Hội nhằm tập hợp các tổ chức, cá nhân, doanh nhân, doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trên địa bàn huyện vào một tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp. Đồng thời, Hội đoàn kết các hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, doanh nghiệp; hỗ trợ các hoạt động kinh tế, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Hội Doanh nghiệp huyện Đồng Hỷ là đầu mối thúc đẩy phát triển quan hệ của các doanh nhân, doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước, thúc đẩy các quan hệ hợp tác kinh tế – thương mại giữa doanh nghiệp và với các tổ chức khác trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi. Hội cung cấp cho hội viên những thông tin, dịch vụ, xúc tiến thương mại và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; tư vấn, phản biện về lĩnh vực kinh tế, luật pháp cho hội viên; đại diện cho hội viên tham gia thành viên của các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội nghề nghiệp khác.
Ông Chu Phương Đông nhận định, việc thành lập Hội Doanh nghiệp không chỉ là nhu cầu tất yếu, mà còn là điều kiện không thể thiếu để cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân huyện Đồng Hỷ chung tay, góp sức thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền
Với mong muốn xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, thực sự là “ngôi nhà chung” của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, Hội Doanh nghiệp huyện Đồng Hỷ đã đưa ra nhiều giải pháp; trong đó tập trung nâng cao vai trò là người đại diện và cầu nối giữa hội viên với các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho doanh nghiệp.
Thực tế thấy rằng, bộ máy chính quyền và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên hiện nay luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với cộng đồng doanh nghiệp. Nói như Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải: “Sức khỏe doanh nghiệp là sức khỏe của địa phương; Thành công của doanh nghiệp và thành công của tỉnh”. Trong những năm qua, UBND tỉnh Thái Nguyên, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh thường xuyên tổ chức các hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp. Thông qua đó, các doanh nghiệp có cơ hội được “giãi bày” những tâm tư, nguyện vọng, nêu lên những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải. Chính quyền cũng từ đó thay đổi tư duy, cách thức quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch.
Đơn cử, tại Hội nghị tiếp xúc cử tri là cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên lần đầu tiên được tổ chức tháng 7 vừa qua, Hội Doanh nghiệp huyện Đồng Hỷ đã đề nghị xây dựng trạm điện 110KV để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn phát triển kinh tế xã hội phía nam huyện; thay thế đường sắt Trại Cau – Gang thép (đã khai thác rất hạn chế và dừng khai thác từ lâu) thành đường bộ để nâng cao hiệu suất vận tải.
“Là địa phương có nhiều mỏ khoáng sản nhưng vấn đề cấp và cơ chế vận hành đối với hoạt động khai thác, chế biến, tiêu thụ khoáng sản tại Thái Nguyên còn nhiều bất cập. Một số doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa minh bạch giá bán khoáng sản dẫn đến thất thoát ngân sách. Doanh nghiệp khai thác khoáng sản nhưng không có nhà máy để sản xuất. Doanh nghiệp có nhà máy sản xuất nhưng lại không được cấp mỏ khai thác. Các doanh nghiệp đề xuất nên cấp mỏ cho một tổ chức do Nhà nước quản lý, sau đó tổ chức đấu thầu rộng rãi cho khai thác. Sản phẩm khoáng sản sẽ tiếp tục được đấu giá bán công khai cho các doanh nghiệp sản xuất có nhu cầu hoặc xuất khẩu”, ông Đông cho hay.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc Hợp tác xã miến Việt Cường (thị trấn Hóa Thượng) cho rằng, đối thoại là cầu nối gần nhất, hiệu quả nhất để gắn kết doanh nghiệp và chính quyền. Thông qua các cuộc đối thoại, cơ quan chức năng dễ dàng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp. Mặt khác, chính quyền sẽ cung cấp thông tin, giải đáp, hỗ trợ giải quyết những kiến nghị, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn một cách kịp thời.
Song song với hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động xã hội, từ thiện luôn được Hội và các hội viên quan tâm, coi đây là trách nhiệm đối với toàn xã hội. Những năm qua, Hội đã tích cực tham gia các hoạt động từ thiện như ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt; ủng hộ quỹ Vắc xin phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ, của tỉnh Thái Nguyên… Ngoài ra, Hội phát động các doanh nghiệp tham gia tích cực các chương trình hàng năm như: xây dựng nhà tình nghĩa, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và đồng hành cùng các cấp chính quyền trong chương xây dựng nông thôn mới.
Với những nhiệm vụ cơ bản nêu trên và phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, văn hóa của người Thái Nguyên, cộng đồng doanh nghiệp huyện Đồng Hỷ sẽ cùng nhau đoàn kết vượt qua mọi thách thức, khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh, hứa hẹn sẽ có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế – xã hội của tỉnh Thái Nguyên.