Đây là nhận định được đề cập trong báo cáo Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam do World Bank Việt Nam vừa công bố. Theo đó, tăng trưởng GDP được ghi nhận khởi sắc trong quý 3 năm nay với tăng 5,3% (so cùng kỳ). Tăng trưởng này có được nhờ khu vực công nghiệp đang dần phục hồi, đóng góp 1,9 điểm phần trăm vào GDP, tăng hơn gấp đôi so với quý 2 (đóng góp 0,8 điểm phần trăm) và tạo khoảng cách lớn so với quý 1 tăng trưởng âm (-0,1 điểm phần trăm tương ứng).
Sự phục hồi trong sản xuất công nghiệp phản ánh sự cải thiện liên tục trong xuất khẩu hàng hóa kể từ tháng 5/2023. Bên cạnh đó, trong quý 3, khu vực dịch vụ và nông nghiệp vẫn duy trì mức tăng trưởng tương đương với 2 quý trước với con số tăng trưởng lần lượt là 6,2% (so cùng kỳ) và 3,7% (so cùng kỳ). Hai khu vực này tương ứng đóng góp 2,7 và 0,4 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP.
Khu vực công nghiệp phục hồi khiến Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9 tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng hàng tháng dương và là tháng thứ năm liên tiếp. IIP tăng 3,5% (so cùng kỳ) trong quý 3 được hỗ trợ bởi tăng trưởng các lĩnh vực sản xuất trong nước và định hướng xuất khẩu như chế biến thực phẩm, dệt may, sản phẩm đồ nội thất, kim loại (thép và nhôm).
Những tín hiệu phục hồi trên góp phần đưa xuất khẩu và nhập khẩu hàng tháng tăng trưởng dương lần đầu tiên sau 10 tháng liên tiếp suy giảm.
Cụ thể, xuất khẩu và nhập khẩu tăng tương ứng 5,3% (so cùng kỳ) và 2,6% (so cùng kỳ). Điều này phản ánh nhu cầu bên ngoài đã có sự cải thiện, đồng thời suy giảm trong thương mại hàng hóa đã chạm đáy. Do vậy, sự suy giảm trong xuất khẩu và nhập khẩu cũng được thu hẹp trong cả quý 3, tương ứng mức -1,2% (so với mức -12,2% cùng kỳ) và -5,0% (so với mức -20,6 cùng kỳ).
Sự cải thiện được thể hiện rõ ở xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp như gạo (156% so với cùng kỳ) hay dệt may (121,7% so với cùng kỳ), điện tử và máy tính (110,7% so với cùng kỳ). Cán cân thương mại hàng hóa tổng thể đạt thặng dư 2,3 tỷ USD vào tháng 9 và 21,4 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm do xuất khẩu giảm ít hơn nhập khẩu. Bên cạnh đó, nhập khẩu đang phục hồi nhanh hơn xuất khẩu, báo hiệu các doanh nghiệp đang mong đợi mở rộng sản xuất hơn nữa. Theo khảo sát của S&P Global tại Việt Nam, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu tăng trong cả tháng 8 và tháng 9, đặc biệt là từ các thị trường châu Á.
Tuy nhiên, Chỉ số Nhà quản lý Mua hàng (PMI) đã quay trở lại vùng suy giảm (49,7) vào tháng 9 sau đợt phục hồi ngắn trong tháng 8 cho thấy sự bất định vẫn tiếp diễn trên con đường phục hồi.