Theo thông tin từ LS Cable cung cấp với báo chí, công ty đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) với Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) để cung cấp các dịch vụ kỹ thuật cho ngành dầu khí và năng lượng bao gồm giàn khoan dầu khí, kết cấu phụ tuabin gió và khảo sát đáy biển. Công ty Hàn Quốc cho biết mối quan hệ hợp tác mới này nhằm mục đích khám phá thêm các cơ hội kinh doanh cáp ngầm tiềm năng ở vùng biển của các nước ASEAN.
Hiện tại, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đang cho thấy những lợi thế về kinh nghiệm và nguồn lực trong thiết kế, chế tạo, vận hành các công trình biển để tham gia vào chuỗi cung ứng và phát triển các dự án năng lượng gió ngoài khơi và sản xuất hydro.
Theo chia sẻ của tập đoàn, với các mối quan hệ hợp tác quốc tế, mở rộng đầu tư cùng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật công nghệ và quản lý, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao, Petrovietnam có nhiều cơ hội tiếp cận các công nghệ mới, hiện đại, hợp tác đầu tư với các tập đoàn dầu khí, các đối tác có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Trong khi đó, PTSC là doanh nghiệp hàng đầu của Petrovietnam trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao. PTSC đã làm chủ, trực tiếp thực hiện gần như toàn bộ các công đoạn của ngành công nghiệp dầu khí ngoài khơi. Ngoài ra, họ còn đang đứng trước cơ hội “vàng” tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực năng lượng gió ngoài khơi. Hiện tại, PTSC cũng là doanh nghiệp duy nhất của Petrovietnam đã có đầy đủ cơ sở pháp lý và năng lực triển khai đầu tư và phát triển các dự án năng lượng gió ngoài khơi.
Trên thực tế, PTSC hiện cũng đang có kế hoạch triển khai dự án cáp ngầm xuyên biển giữa Việt Nam và Singapore. Ngày 29/8/2023 vừa qua, trong khuôn khổ Hội nghị thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác đầu tư Việt Nam – Singapore, Liên danh PTSC (Việt Nam) và Sembcorp (Singapore) đã được trao Giấy phép khảo sát và Ý định thư để triển khai các công tác liên quan đến việc phát triển dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam, xuất khẩu điện sạch sang Singapore.
Theo các chuyên gia trong ngành, một trong những khâu quan trọng nhất trong quá trình triển khai các dự án điện gió gần bờ và ngoài khơi là xây dựng tuyến cáp ngầm nối các cột tuabin gió với trạm biến áp ngoài khơi và lưới điện trên bờ.
Trong bối cảnh ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, trong đó các trang trại gió gần bờ nằm dọc bờ biển đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và bền vững. Tại các trang trại này, đường cáp ngầm dưới biển đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các tuabin gió với các trạm biến áp ngoài khơi và lưới điện trên bờ.
Do đó, sự hợp tác giữa LS Cable và PTSC dự kiến sẽ thúc đẩy dự án cũng như các dự án kết nối lưới điện khác trong tương lai, vốn đang có nhu cầu lớn ở các nước trong khu vực Đông Nam Á. Ví dụ, Việt Nam hiện đang xây dựng một trang trại gió ngoài khơi có công suất khoảng 6 gigawatt vào năm 2030. Công suất này là một trong năm trang trại gió lớn nhất ở châu Á, sau Hàn Quốc và Đài Loan.
Người phát ngôn của LS Cable cho biết: “Bản ghi nhớ này có ý nghĩa quan trọng khi LS Cable, công ty dẫn đầu thị trường cáp điện tại Việt Nam, đang hướng tới mục tiêu trở thành công ty dẫn đầu tại các quốc gia có thị trường cáp ngầm tiềm năng và hiện có. Mục tiêu này xuất phát từ 30 năm kinh nghiệm kinh doanh ở nước ngoài và khả năng của công ty”.
LS Cable đã và đang mở rộng phạm vi hoạt động của mình trên thị trường cáp ngầm thông qua việc mở rộng ra nước ngoài của các công ty con, bao gồm cả việc mở rộng một công ty con LS Marine Solution được công bố gần đây vào Đài Loan.