Không còn là dự báo, nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã và đang chuyển động hoạt động sản xuất kinh doanh theo mô hình mới để nắm bắt cơ hội phát triển mới trong thời đại công nghệ số; đồng thời nâng cao sức cạnh tranh, tạo nguồn doanh thu mới từ dữ liệu.
Dữ liệu mang lại giá trị lớn. Vì thế, doanh nghiệp đầu tư nhiều nguồn lực để thu thập, tích hợp và khai thác dữ liệu.
Mới đây, tại Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10.10, một lần nữa, câu chuyện thành công trong chuyển đổi số, khai thác dữ liệu để chuyển đổi mô hình kinh doanh của công ty Rạng Đông lại được nhắc lại.
Cách đây 4 năm, trận hoả hoạn lớn tưởng chừng đã “quật ngã” một trong những biểu tượng sản xuất công nghiệp truyền thống được thành lập từ năm 1961 của TP Hà Nội. Vậy mà, Rạng Đông đã lội ngược dòng, biến sức ép thành cơ hội khi quyết tâm chuyển đổi số, sử dụng dữ liệu đang có để phân tích, đánh giá, tìm kiếm không gian tăng trưởng mới.
Khi đó, chuyển đổi số gắn với khai thác dữ liệu tại Việt Nam còn khá mới mẻ nhưng người quyết định dấn thân vào cái mới lại là lãnh đạo kỳ cựu, đã ở tuổi… 80.
Nhìn sang các ngành nghề truyền thống khác tại Việt Nam thì ngân hàng, tài chính đang là lĩnh vực tiên phong trong chuyển đổi số, xây dựng các chiến lược khai thác dữ liệu, phát triển thêm các hệ thống data, AI để ra quyết định.
Những thành công từ việc thu thập, khai thác và sử dụng dữ liệu tốt nhất hiện nay đang đến từ khối doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp công nghệ… Trong khi đa phần doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quá trình chuyển đổi số đã và đang được quan tâm hơn việc khai thác giá trị từ dữ liệu một cách mạnh mẽ.
Ông Hoàng Trọng Tôn – Giám đốc Giải pháp và sản phẩm của SVTech cho biết, về nhận thức, các các doanh nghiệp đều nhận thấy vai trò quan trọng của dữ liệu, song làm thế nào để khai thác dữ liệu một cách hiệu quả nhất, hay nói cách khác là đưa vào dữ liệu vào hoạt động của doanh nghiệp thì không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.
Chưa kể, dữ liệu cần được phát triển một cách bền vững chứ không thể chỉ trong một thời gian ngắn là doanh nghiệp có thể sở hữu ngay kho dữ liệu mong muốn. Để đạt được yêu cầu này, các doanh nghiệp cần có một bộ công cụ tích hợp, chuẩn bị dữ liệu một cách hiệu quả.
Những vấn đề trên liên quan đến việc đầu tư nguồn lực trong khi đây là khó khăn, hạn chế của doanh nghiệp SME. Thứ nữa là nguồn nhân lực, hạ tầng, chiến lược phát triển… đều chưa đáp ứng được để tập hợp dữ liệu đủ lớn và khai thác hiệu quả, nhất là khi đưa công nghệ hiện đại vào.
Vì vậy, ông Hoàng Trọng Tôn cho rằng, doanh nghiệp SME nên có cách tiếp cận khác, có thể tận dụng những thành tựu có sẵn, sử dụng những usekey nhỏ như eKYC giúp giải quyết tất cả các quy trình định dạng. Từ đó, doanh nghiệp có thể triển khai những dữ liệu lớn hơn.
Còn theo ông Lê Nguyễn Trường Giang – Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số, doanh nghiệp SME sẽ vượt qua nhiều trở ngại khi vượt khỏi biên giới dữ liệu về mặt kỹ thuật bởi dữ liệu có thể hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết vướng mắc hiện nay.
Cụ thể, dữ liệu giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận tín dụng. Chuyển đổi số không phải là câu chuyện riêng, doanh nghiệp SME không thể đi được một mình, có thể đi thành nhóm, tham gia các Hội cùng tiếp cận dữ liệu, tiêu thụ dữ liệu chứ không cần thiết phải đầu tư riêng.