Trong không khí xúc động nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trò chuyện cùng những cựu chiến binh (CCB) anh dũng, gan dạ năm xưa và giờ đây họ tiếp tục là những doanh nhân bản lĩnh, sáng tạo trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay.
Ông Vũ Ân Vinh, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thủy Sản và Dịch vụ Đồng Hoà chia sẻ động lực đã thôi thúc ông - một người lính trở về từ chiến trường trở thành một doanh nhân với tư tưởng “không bó tay ngắm thời cuộc”. Ông chia sẻ: "Vào quân đội, ông được tham gia 2 chiến dịch: Chiến dịch Quảng Trị năm 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Thời điểm đó, chiến trường ác liệt lắm, những người lính tân binh như chúng tôi hy sinh nhiều, có những người lính ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Tôi cũng bị thương nhưng may mắn vẫn có thể trở về".
“Hoàn thành hai chiến dịch, tôi về với cuộc sống hòa bình và được Đảng, Nhà nước cho đi học tập và đào tạo. Sau đó, tôi đã tốt nghiệp trường đại học kinh tế, chuyển ra ngoài làm kinh tế. Thời điểm đó, đúng lúc cả nước bước vào cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đất nước khi đó còn nghèo lắm, gia đình cũng còn khó khăn và tôi đã quyết định tự làm kinh tế”, ông Vinh chia sẻ thêm.
Theo ông Vinh, động lực lớn nhất để ông từ một cựu chiến binh trở về trở thành một doanh nhân là vì “muốn làm chút gì đó” cho những người đồng đội của mình đã hy sinh vì đất nước, vì dân tộc. Thêm vào đó, với kiến thức đã được học, ông quyết định trở thành một doanh nhân với mong muốn có thể giúp đỡ được nhiều người, những người đồng đội trở về và cả gia đình của họ.
Ông Đỗ Trung Nghĩa, Ủy viên Hiệp hội doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Hải Phòng chia sẻ: “Tôi sinh năm 1947, đi bộ đội vào tháng 3 năm 1967, tham dự Chiến trường Đường 9 Nam Lào ở đơn vị đặc biệt có tên là “diệt ác trừ tà”, tức là một binh chủng đặc biệt. Đơn vị tôi là một trong những đơn vị hy sinh nhiều nhất, khoảng 99% là ở lại chiến trường, may chỉ còn có 1-2 người là trở về. Sau đó, tôi chuyển sang bộ đội đặc công. Năm 1979, tôi tiếp tục tham gia chiến trường phía Bắc. Đến năm 1990 thì nghỉ hưu do sức khỏe yếu và về làm kinh tế. Trong quân ngũ, chúng tôi được trau dồi tinh thần và ý chí cách mạng cao lắm".
“Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh người đại đội trưởng của tôi trong một trận đánh vào Ốc Tân Lập, không may anh ấy bị thương, anh đã căn dặn tôi phải làm sao tiếp tục sống và phấn đấu cho hòa bình độc lập của đất nước, sau đó là làm kinh tế hỗ trợ cho những người đồng đội, những gia đình của đồng đội đã hy sinh. Đó chính là một động lực khiến tôi khi trở về từ chiến trường và tiếp tục mở doanh nghiệp kinh doanh”, ông Nghĩa chia sẻ.
Cũng trong không khí bồi hồi và xúc động, ông Hoàng Bình Toản, Giám đốc công ty Dịch vụ sửa chữa ô tô Hoàng Thắng chia sẻ: “Từ những ngày đầu trở về với hai bàn tay trắng, chúng tôi những người lính trở về từ chiến trường gặp rất nhiều khó khăn. Muốn kinh doanh thì phải có cơ sở sản xuất, phải có mặt bằng và khi có mặt bằng phải tìm kiếm công nhân, rồi cơ sở vật chất, nhà xưởng máy móc trong khi cuộc sống còn nhiều khó khăn bộn bề. Tuy nhiên, chúng tôi luôn có một ý nghĩ, một ý chí phải giải thoát được mình, phải vươn lên và không chịu ngồi yên ngắm thời cuộc. Tức là phải tìm cho mình công việc và cho những người xung quanh, gia đình mình, con cháu mình và cả con cháu của những người đồng đội của mình”.
Xuất thân từ người lính lái xe, cựu chiến binh Hoàng Bình Toản đã manh mún ý định trở thành một chủ doanh nghiệp của xưởng sửa chữa ô tô từ trong quân ngũ. Khi trở về từ chiến trường, ông đã xây dựng xưởng sửa chữa ô tô Hoàng Thắng với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Thời điểm ban đầu, cơ sở của ông đã gặp nhiều khó khăn khi đại dịch COVID-19 ập đến. Nhưng với ý chí của người lính trên chiến trường và ý chí của người lính trên mặt trận kinh tế, ông đã trăn trở, suy nghĩ và tìm cách để vượt qua.
Ông Hoàng Bình Toản cho biết thêm: “Chúng tôi phát triển được đến ngày hôm nay là nhờ vào ý chí của bản thân nhưng cũng không thiếu được sự giúp đỡ quý báu của những người đồng đội cũ trên chiến trường, những người trong chiến tranh không tiếc xương máu, hy sinh và che chở cho chúng tôi. Và trong thời bình lại sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, chia sẻ những kinh nghiệm, tiền bạc giúp đỡ chúng tôi trong những lúc khó khăn. Tôi rất tâm đắc với câu thơ của danh nhân Nguyễn Trãi trong Bình Ngô Đại cáo: “Nhân dân bốn cõi một nhà/ Dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới/ Tướng sĩ một lòng phụ tử/ Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”. Tôi cho rằng dù là trong chiến tranh hay trong hòa bình, những người chiến sĩ như chúng tôi không thể rời xa khỏi đồng đội”.
Với những chia sẻ chân tình về vai trò và nhiệm vụ của Hiệp hội CCB và Thương, Bệnh binh Hải Phòng trong quá trình công tác hỗ trợ các CCB làm doanh nghiệp, cựu chiến binh Bùi Hồng Vách, Chánh Văn phòng Hiệp hội cho biết: Tôi tham gia trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sau khi giải phóng miền Nam, được nhà nước cho đi đào tạo làm cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý. Tôi cũng hoàn thành tốt trên mọi lĩnh vực. Với chí tiến công của người lính luôn ghi nhớ lời bác Hồ dạy "Thương binh tàn nhưng không phế", luôn xông pha trên mặt trận kinh tế . Suy nghĩ về những anh em thương bệnh binh và con em thương bình, gia đình chính sách của địa phương lên trên thành phố Hải Phòng, tôi và một số anh em Thương binh ở thành phố Hải Phòng được sự đồng thuận của lãnh đạo, thành phố Hải Phòng và các sở ban ngành đã lập nên Hiệp hội.
Hiệp hội doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Hải Phòng từ ngày thành lập đến nay chúng tôi hoạt động tốt. Tôi được giao nhiệm vụ Chánh Văn phòng Hiệp hội có nhiệm vụ là nơi tổng hợp tiếp thu ý kiến động viên phát triển của các doanh nghiệp, là cầu nối giữa Hiệp hội với chính quyền từ Thành phố đến Trung ương. Thời gian qua hiệp hội hoạt động tốt và có sức lan tỏa lớn, anh em thương binh đoàn kết cùng nhau phát triển và được chính quyền các cấp nhất là UBND và Sở lao động Thương bình thành phố Hải Phòng đặc biệt quan tâm giúp đỡ tạo điều kiện hỗ trợ.
Hòa trong không khí xúc động nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), DĐDN xin được gửi lời tri ân sâu sắc đến tất cả những thương binh, liệt sỹ, những người không tiếc phần xương máu hy sinh cho đất nước, cho hòa bình của dân tộc.